cô nói, ông tổ nhỏ ơi, bé tiếng một chút… nhưng nó nhất quyết làm kinh
động đến bố nó, nói con của cháu chính là con của nó, chúng ta không
muốn đứa trẻ, không nhận cháu cũng có nghĩa là nhà họ Hàn đoạn tử tuyệt
tôn. Kết quả bố nó tức lên đã đánh cho nó một trận ra trò. Cô biết đứa trẻ
đang nằm trên giường bệnh kia không phải của cháu cũng không phải của
nó, nhưng thằng bé cứ kiên quyết như thế, cô thật đã nghĩ hai đứa…”
Cát Niên nói: “Hàn Thuật là thật lòng đối tốt với Phi Minh, nhưng giữa
cháu và anh ấy trước nay không hề có khả năng ấy.” Cô đã không còn hận
anh, nhưng cũng không có cách nào để yêu anh. Bọn họ giống như loài hải
miêu ở kỷ Nhị Điệp và loài hải miêu ở kỷ ChấnĐán, cách nhau hơn một tỷ
năm, hoàn toàn chẳng có bất kỳ liên hệ gì với sự tồn tại của nhau. Cô muốn
cho Phi Minh một gia đình, điều này một mình cô không sao làm nổi,
những người đàn ông tốt cũng sẽ chẳng chọn cô, vì vậy hôm đó cô thà chấp
nhận điều “nếu như” của Đường Nghiệp. Cô hiểu sự tuyệt vọng cố thoát
khỏi vũng bùn của Đường Nghiệp, cũng như cô hiểu ước mơ con sâu bướm
của Tiểu hoà thượng. Có lẽ cũng chính vì sự mịt mù của điều “nếu như” ấy,
cô đồng ý giữ niềm hy vọng mơ hồ như vậy. Điều “nếu như” của Đường
Nghiệp có thể vĩnh viễn không bao giờ xảy ra, đó là một giấc mộng, nhưng
nếu thật có ngày đó, cũng giống như một bài hát cô không biết tên đã viết
thế này, nếu tỉnh lại còn ở bên nhau, xin hãy cho số phận chúng ta thành
đôi.
Bác sĩ Tôn thở dài: “Cô không muốn nói xấu người khác, nhưng cháu
thật quá khác bố mẹ cháu.” Lòng bà bỗng chùng xuống, không chỉ Hàn
Thuật, ngay bà cũng cảm thấy thật cảm thông với cô. Tôn Cẩn Linh đưa tay
định vỗ nhẹ đôi vai gầy gò của Cát Niên, nhưng Cát Niên nhẹ nhàng tránh
qua một bên.
Bác sĩ Tôn thu tay lại vị trí cũ trên đầu gối rồi nói: “Vì sao cô luôn nhớ
bộ dạng cháu hồi bé? Là vì khi nhà chúng ta vừa chuyển tới, Hàn Thuật
mới bốn tuổi, còn chưa quen nơi ở mới, bạn bè ở nhà trẻ cũng không biết