cô chưa từng nghe qua những lời đồn qua lại về bà chủ của mình từ những
nhân viên khác, nhưng những điều này đều không liên quan đến cô. Lần trò
chuyện dài nhất giữa cô và Phương Đăng là ngày cô đến xin việc, lúc ấy, cô
nhân viên trẻ đến khiến Cát Niên bất ngờ ấy cũng đã giống như bây giờ,
mời cô vào phòng nghỉ ở trong tiệm, hỏi cô học được kỹ thuật may vá từ
đâu. Cát Niên thành thật khai báo học ở trong ngục, đối phương lại không
hề lộ ra nét kinh ngạc và nghi ngờ, mà chỉ cười một cái, rồi nói tay nghề
của mình là học từ viện cô nhi.
Cát Niên chưa từng nghĩ Phương Đăng lại nỡ bỏ lại tiệm vải này, bởi vì
cô ấy từng nói, ký ức của cô về gia đình đã mơ hồ từ rất lâu, cái duy nhất
còn rõ ràng chỉ là khung cửa sổ với màn vải màu đỏ đậm, đã vô số lần cô
muốn đến gần cánh cửa sổ ấy trong giấc mơ, vén tấm màn đó lên để nhìn
kỹ nơi mà cô quyến luyến, nhưng rồi mỗi khi ngón tay chạm đến tấm vải
ấy, cô đều tỉnh giấc. Khung cửa sổ với màn vải màu đỏ đậm kia là nơi duy
nhất gửi gắm quá khứ của cô, tiếc rằng dẫu cho là trong hiện thực, cô có cố
chọn thế nào, cố ghép ra sao, cũng không thể tìm lại mảnh vải hoàn toàn ăn
khớp với ký ức. Phương Đăng đùa rằng đấy chính là lý do khiến cô cố chấp
muốn mở một tiệm vải.
Chẳng lẽ cô ấy đã tìm được cánh cửa sổ ấy của mình rồi?
Cát Niên không nói ra câu hỏi này, song đôi mắt gian manh như mèo
của Phương Đăng lại dường như đã nhìn thấy suy nghĩ trong lòng cô.
“Có lẽ đã đến lúc thay đổi rồi.” Phương Đăng cười rất mập mờ, ngữ khí
như có ý gì đó, “Chúng ta đều như nhau.”
Cát Niên không biết cái “chúng ta” mà Phương Đăng cố ý nhấn mạnh
ấy là muốn ám chỉ điều gì, dạo trước Hàn Thuật lại bê mặt đến tiệm đón cô,
lúc ấy cách giờ ra về còn đến mười mấy phút, anh nghênh ngang bước vào,
còn trò chuyện vui vẻ với nhân viên làm cùng ca, làm cho hai cô gái cười
mãi không ngớt, vừa đúng lúc bị Phương Đăng đến tuần tra đột ngột trông