Quy tắc 4: Làm việc chăm chỉ — nhưng phải bảo đảm nỗ lực của mình được
người khác chú ý
Ta có thể học được gì từ những kẻ khốn ưa chơi bẩn mà không cần phải trở
nên giống họ? Có một xu hướng phổ biến trong các cuộc nghiên cứu: Những kẻ
khốn không ngại xô chỗ này một chút, đẩy chỗ kia một ít. Họ tự quảng bá mình.
Họ luôn thương thảo. Họ khiến mọi người phải nhìn thấy họ. Nhưng những việc
này không cần phải là kẻ chơi bẩn mới thực hiện được. Có thể bạn sẽ không đạt
được mọi thứ mà họ có, nhưng bạn sẽ có lợi khi bước ra sân khấu mà không cần
phải bán linh hồn cho quỷ dữ.
Bạn cần phải hiện hình, sếp phải thích bạn. Đó không phải bằng chứng cho
thấy thế giới này quá ư vô cảm; đó chỉ đơn giản là bản chất con người. Làm việc
siêng năng sẽ không được đền đáp nếu sếp không biết nên thưởng ai. Bạn có nghĩ
một sản phẩm tuyệt vời sẽ tự bán được mà không cần marketing không? Chắc là
không rồi.
Vậy đâu là điểm cân bằng? Mỗi thứ Sáu hàng tuần gửi cho sếp bạn một
email tổng kết về những thành quả đã đạt được trong tuần — không cần màu mè,
chỉ tóm gọn những việc tốt mà bạn đang làm. Bạn có thể cho rằng sếp sẽ tự biết
bạn đang làm gì, nhưng họ rất bận. Họ có vấn đề của riêng họ. Họ sẽ đánh giá
cao và bắt đầu liên tưởng bạn với những điều tốt mà họ nghe được (từ bạn, dĩ
nhiên). Và khi đến thời điểm xét thăng chức hay tăng lương (hay làm mới lại
CV), bạn có thể duyệt lại cho họ những email kia như một lời nhắc rằng bạn rõ
ràng là nhân viên giỏi.
Quy tắc 5: Nghỉ dài hạn và khiến cho người khác cũng nghĩ dài hạn
Hãy nhớ, hành vi xấu có thể mạnh trong ngắn hạn nhưng hành vi tốt sẽ
chiến thắng trong dài hạn. Vậy nên, bằng hết sức mình, hãy làm mọi thứ dài hạn
hơn. Thêm nhiều bước hơn vào hợp đồng. Thuyết phục người khác theo cách mà
ta có thể giúp họ trong thời gian dài. Việc càng trông như chỉ làm một lần rồi
thôi, người ta sẽ càng có động lực chơi khăm nhau. Càng có chung nhiều mối
quan hệ hay bạn bè, và càng có nhiều khả năng tái ngộ, mọi người sẽ càng có lý
do để cư xử tốt với ta. Đó là lý do tại sao các vị vua thời trung cổ hay cho con cái
mình cưới con của các gia đình hoàng gia khác. Giờ chúng ta là một gia đình.
Chúng ta sẽ có chân chung. Chúng ta sẽ phải cư xử tốt với nhau.
Axelrod gọi đó là hành động "mở rộng cái bóng của tương lai." David
DeSteno, người đứng đầu Social Emotions Group tại Đại học Northeastern, nói