Điều này không có nghĩa bạn gặp ai cũng phải tặng họ 20 đô la. Sự giúp đỡ
chỉ cần nhỏ thôi. Chúng ta thường hay quên rằng vài điều khá dễ dàng đối với
bản thân chúng ta (một email giới thiệu chỉ tốn 30 giây) có thể mang lại lợi ích vô
cùng to lớn cho người khác (nhận được một công việc). Giúp vài việc nhanh gọn
đối với người mới quen sẽ cho những Người-cho-đi khác biết rằng bạn cũng là
một Người-cho-đi, đồng thời nhận được sự giúp đỡ từ những Người-dung-hòa.
Cứ tiến tới và gửi tặng bạn tù mới đến một giỏ quà. Khi đó, nếu chẳng may các
phe bắt đầu rút dao ra trong sân tù, bạn sẽ có thêm rất nhiều người trông chừng
hộ sau lưng.
Quy tắc 3: Hành động quên mình không phải cao thượng, mà là ngu ngốc
Tin tưởng người khác nói chung sẽ giúp công việc thuận lợi hơn, nhưng
giống như Don Johnson ở bàn blackjack, nắm giữ lợi thế không có nghĩa là bạn
sẽ giành chiến thắng trong mọi ván đấu. Bạn không thể đoán được sự hợp tác sẽ
thành công tới đâu trong mỗi mối tương tác, nhưng bạn sẽ thắng nhiều hơn thua.
Hãy nhớ, người thành công nhất trong nghiên cứu bên trên tự đánh giá mình là
tin người 8/10, chứ không phải 10/10.
Thực ra, có một biến thể mới hơn của TFT mà một nhà nghiên cứu cho rằng
vượt qua cả chương trình TFT thông thường lẫn GTFT. Vậy nó có điểm gì khác?
Nếu như đối thủ của nó luôn luôn hợp tác, bất chấp chuyện gì xảy ra đi chăng
nữa, nó sẽ đào mỏ đối thủ. Khá buồn khi biết cách này hiệu quả, nhưng cũng dễ
hiểu. Đó chính là bản chất con người, khi nhìn thấy người khác làm quá nhiều và
không bao giờ phản ứng, ta sẽ nghĩ chuyện họ cống hiến là hiển nhiên. Vậy nên
nếu bạn không phải hoàn toàn là một vị thánh thì cũng ổn thôi; hành động kiểu
thánh nhân thực sự là một chiến lược rất tệ khi muốn vượt lên. (Giờ bạn đã thấy
đỡ buồn hơn chưa?)
Axerold đã nhận ra sự trả đũa là cần thiết để các chương trình có thể thành
công trong giải đấu. Nhưng trong đời thực thì điều đó có ý nghĩa gì? Hóa ra cách
tốt nhất để trừng phạt những Người-nhận-về tại nơi làm việc chính là một vũ khí
cổ điển: tám chuyện. Việc cảnh báo mọi người về những Người-nhận-về sẽ làm
cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn và có thể giúp giám sát những hành vi xấu.
Bên cạnh đó, như Adam Grant đã đề cập, việc cho đi quá nhiều có thể dẫn
đến tình trạng kiệt quệ. Chỉ 2 giờ/tuần giúp đỡ người khác là đủ để đạt được lợi
ích tối đa, vậy nên không cần cảm thấy tội lỗi hay hy sinh hết mình — và cũng
không cần phải biện hộ khi nói rằng bạn không có thời gian giúp đỡ người khác.