Effect of One Bad Apple on the Barrel" của Dan Ariely. Khi thấy các đồng sự lừa
dối, bạn sẽ có xu hướng bắt chước theo. Và khi ai cũng thấy những người xung
quanh đều gian dối, tất cả sẽ cùng bẻ luật. Đó là lối đi dẫn thẳng đến Moldova.
May mắn thay, bối cảnh tác động theo cả hai chiều. Nghiên cứu Terman, vốn
ghi nhận thông tin từ 1.000 người từ hồi còn trẻ cho đến khi chết đi, đã kết luận
rằng những người quanh ta sẽ quyết định ta là người như thế nào. Khi nhìn thấy
những người xung quanh hành động vị tha, ta sẽ có xu hướng hành động giống
như vậy.
Điều này giúp ta an toàn hơn khi trở thành Người-cho-đi — và hưởng các
lợi ích mà những Người-cho-đi tốp đầu đã đạt được mà không sợ trở thành kẻ hy
sinh vì đại nghĩa. Kết nối với những Người-cho-đi khác chính là thứ mang lại
thành công bất ngờ cho những chương trình "thiện" trong giải đấu của Axelrod.
Nếu bạn đang ở trong một môi trường xấu, hãy khoanh vùng lại và tập trung giao
lưu với những người tốt khác. Chỉ cần 5% tương tác giữa các chương trình
"thiện" cũng đủ giúp chúng có lợi thế hơn những kẻ ác ma. Điều này có thể
không hiệu quả hoàn toàn ngoài đời thực, nhưng chắc chắn tồn tại một điểm bùng
nổ ở đâu đó quanh đây thôi.
Chọn lựa đúng cái ao thậm chí có thể giúp bạn hưởng các lợi ích mà những
kẻ chơi bẩn đang có. Nịnh sếp không hẳn là vô đạo đức hay không đứng đắn nếu
đó là người mà bạn thực sự kính trọng. Ở lần phỏng vấn xin việc tiếp theo, hãy
tìm hiểu xem ai là người bạn sẽ phải báo cáo. Hỏi xin gặp người đó và tìm hiểu
thông tin về họ. Các nghiên cứu cho thấy sếp ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc
và thành công của bạn nhiều hơn hẳn ảnh hưởng của cả công ty nói chung.
Quy tắc 2: Hợp tác trước
Tất cả những chương trình thành công trong cuộc đấu của Axelrod đều hợp
tác trước. Người-cho-đi vượt trội so với Người-dung-hòa bởi vì họ tình nguyện
giúp đỡ mà không cần chờ đợi xem người khác sẽ làm gì. Có rất nhiều nghiên
cứu đã chứng minh điều này. Robert Cialdini nói rằng làm người đầu tiên sẵn
lòng giúp đỡ chính là chìa khóa đưa đến cảm giác có qua có lại, vốn là một trong
những nền tảng trong việc thuyết phục và làm hài lòng lẫn nhau.
Khi giảng viên Deepak Malhotra tại Trường Kinh doanh Harvard dạy sinh
viên môn đàm phán, việc đầu tiên ông nói không phải là "Cứng rắn lên" hay "Cho
họ thấy ta đang nghiêm túc nói chuyện làm ăn." Lời khuyên đầu tiên của ông
chính là "Họ cần phải thích ta đã."