- Ờ há. – Tôi hạ giọng – Thế thì tụi mình sẽ không vượt biển nữa. Nhưng tụi
mình có thể vào rừng sâu hay lên núi cao.
- Rừng sâu hay núi cao thì cũng thế.- Con Tí sún lại nói, tự nguyện tròng vào
mặt vẻ biết lỗi vì lại tiếp tục ngăn cản tôi – Chắc chắn ba mẹ sẽ không cho
tụi mình ra khỏi nhà lâu như vậy.
- Ờ. – Tôi thở dài, hờn dỗi – Ba mẹ không bao giờ tin tụi mình. Ba mẹ bao
giờ cũng sợ tụi mình lạc.
Tôi tiếp tục ấm ức:
- Nếu tụi mình không đi lạc thì ba mẹ lại sợ mình bị rắn rết hùm beo tha đi
mất.
Thấy tôi buồn, con Tí sún buồn theo. Nó lắc cánh tay tôi, nói như an ủi:
- Đợi lớn lên đi anh. Khi trở thành người lớn, tụi mình có thể đi bất cứ đâu
mà không có ai cấm cản.
Nó lim dim mắt, xuýt xoa:
- Ôi, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy thú vị rồi.
Một lần nữa, con Tí sún lại là người phát ngôn của chân lý. Nhưng ngay cả
chân lý cũng có mặt thứ hai của nó. Sau này tôi dần dần khám phá ra rằng
nếu khi còn bé tôi thường xuyên đau khổ vì không được làm những gì mình
thích thì khi lớn lên tôi lại rơi vào những nỗi khổ đau khác vì có quá nhiều tự
do để làm những điều mình thích, mà so với trẻ con thì những ý thích bốc
đồng của người lớn thường là ngu ngốc và nguy hiểm hơn nhiều.
Người lớn tất nhiên cũng có những người lớn của mình. Nếu những nguyên
tắc đạo đức là bà mẹ thì những nguyên tắc luật pháp là ông bố của người lớn:
một bên đưa ra những khuyên giải nhẹ nhàng, một bên suốt ngày hầm hè và
thốt ra những răn đe. Nhưng cũng giống như trẻ con, người lớn không phải
lúc nào cũng biết vâng lời bố mẹ. Vì vậy mà tôn giáo xuất hiện. Tôn giáo xét
về phương diện nào đó, cũng là đạo đức và pháp luật. Nó khuyên làm điều
này, cấm điều kia. Nhưng vì tôn giáo xây dựng trên đức tin, nên con người ta
làm theo mà không thắc mắc (theo kiểu con cái hay thắc mắc trước những
mệnh lệnh của bố mẹ), bởi một thực tế là nếu không còn ai tin nữa thì con
người cũng khó mà yên tâm về sự tồn tại của mình trên cõi đời.