IV
Tôi trở về Arden. Celia, bà bạn Tây Ban Nha của chúng tôi, bảo
có một người đến tìm tôi hai lần để nói chuyện gì đó và ông ta sẽ trở
lại vào buổi chiều.
Đã sáu giờ chiều. Tôi đang ngồi trước bể bơi, ở sân trong.
Jean đi quyên góp ủng hộ trường học Montessori mà cô đỡ đầu từ
một năm nay. Một trong những mục đích của trường này là đem đến
cho trẻ con da đen một nền giáo dục “không có hận thù”. Điều ấy
được thể hiện ở tất cả các từ trên tờ quảng cáo. Một nền giáo dục
không có hận thù. Điều đó mang đầy ẩn ý, vì nếu đó là một nhà trường
khác với những nhà trường khác...
Cho đến nay, tôi vẫn ngỡ rằng ở đâu có hận thù thì ở đó không có
giáo dục. Ở đó là bóp méo. Là luyện tập.
Tôi đang tự nhủ rằng vấn đề da đen ở Hoa Kỳ đặt ra một câu hỏi
khiến cho nó trở thành gần như nan giải: đó là vấn đề của sự Ngu đần.
Nó bắt rễ từ trong sâu xa của thế lực tinh thần lớn nhất của mọi thời
đại, là cái Ngu ngốc. Trong lịch sử, chưa bao giờ trí tuệ có thể giải
quyết thành công những vấn đề của con người khi tính chất chủ yếu
của những vấn đề này là cái Ngu đần. Trí tuệ chỉ đi vòng tránh vấn đề,
dàn xếp với chúng bằng sự khôn khéo hay bạo lực, nhưng mười lần thì
hết chín, khi trí tuệ tưởng đã thắng lợi rồi, nó lại thấy tất cả sức mạnh
của sự Ngu đần bất diệt mọc lên trên chính mảnh đất của nó.
Ngoài nỗi buồn của tôi, ngoài niềm khát khao của kẻ về hưu ở tôi
“không muốn dính dấp vào chuyện gì nữa”, còn thêm một nỗi bực bội
riêng tư hơn nhiều và hơi kỳ. Từ ngày tôi đến Hollywood, ngôi nhà
của tôi, tức là nhà vợ tôi, đã trở thành một thứ đại bản doanh chính
cống của cái thiện ý tự do chủ nghĩa da trắng-Mỹ. Những người chủ
trương tự do, theo nghĩa Mỹ của từ này - trong tiếng Pháp, hình như từ