con và bình dân, mẹ ông một thời gian dài thậm chí còn mù chữ. “Tôi
luôn chọn những cách biểu đạt giản dị nhất có thể, cô đoán tại sao
không?” Rachid hỏi, rồi trong khi tôi còn lúng túng chưa tìm được
cách trả lời thì ông nheo mắt tinh nghịch: “Cho tới khi qua đời, mẹ tôi
đã đọc hết những gì tôi viết trước đó.” Tôi im lặng, nhớ ra rằng mẹ
của chính tôi, một kỹ sư nông lâm, không bao giờ vượt qua nổi chục
trang đầu bất cứ cuốn tiểu thuyết nào của tôi nhưng luôn có chiều
hướng khuyên tôi nên viết như những tác giả mà tôi cũng không bao
giờ vượt qua nổi chục trang đầu. Vâng, lúc ấy tôi im lặng không đáp
lại lời Rachid, nhưng vài ngày sau, khi bắt tay vào dịch Cho xem đùi
nào, Leila!, tôi mới choáng váng nhớ lại câu nói kia của ông. Thật khó
lòng tưởng tượng mẹ ông, một phụ nữ Hồi giáo lớn tuổi, vừa thoát nạn
mù chữ, lại có thể bỏ chiếc mạng truyền thống sang một bên mà đọc
những trang viết tràn đầy tự do như thế, cho dù tính hài hước đã được
tác giả găm gài rất nhiều để người đọc thường xuyên được phá lên
cười thay vì nhíu mày, nhăn trán. Cặp nhân vật chính – hai người đàn
ông – được gắn kết với nhau bằng mối quan hệ gia đình mật thiết,
nhưng lại bị chia rẽ nặng nề bởi những quan niệm đối lập về tình dục,
trách nhiệm và... nàng Leila. Ông bố, sau cái chết của vợ, khao khát
làm lại cuộc đời bằng cách cưới một phụ nữ khác, không cần đẹp,
không cần trẻ, không cần cả nhu mì, nhưng nhất thiết phải bảo đảm
cho chồng một cuộc sống tình dục bền vững, và để đổi lại, ông sẵn
sàng chiều lòng người vợ tương lai, thậm chí đồng ý có con ở tuổi lục
tuần. Ngược lại, cậu con trai, một thanh niên thành công và quyến rũ,
thừa sức có một cuộc sống tình dục bền vững, nhưng chỉ chọn lên
giường với các phụ nữ xinh đẹp, và nhất quyết không đánh đổi vui thú
bằng bất cứ cái gì, không nhận trách nhiệm trước bất kỳ ai, mối quan
tâm lớn nhất là xe hơi và đô-la. Nàng Leila dạn dày mà ngây thơ, bình
dân nhưng ưa hàng hiệu, sẽ chen chân như thế nào vào những mâu
thuẫn vốn đã chồng chất giữa hai người đàn ông – một già và một trẻ,
một rộng lượng và một ích kỷ, một ham sống và một hủy diệt? Có
phải cũ bao giờ cũng đồng nghĩa với xấu xa, còn mới với tốt đẹp?