nhức nhối, xót xa. Có lẽ nó đau khổ ghê lắm, nhất là trước nay nó vẫn coi anh Dự như một
mẫu người đáng noi theo. Bây giờ cái thần tượng ấy bị sụp đổ thảm hại khiến nó bị hụt
hẩng, chới với đến tội nghiệp.
Tôi đặt tay lên vai An, bùi ngùi hỏi:
- Trước đây má mày biết chuyện đó không?
- Đến sáng nay má tao mới biết. Bả khóc quá trời!
Tôi lại ngồi im, mặc dù trong thâm tâm tôi rất muốn động viên, an ủi An vài lời. Nói điều gì
cho có ý nghĩa trong lúc này thật là khó. Con người có tính cách khôi hài, ưa pha trò như An
một khi đã buồn bã thì thật không dễ gì vực dậy. Thường ngày tôi với nó vẫn trò chuyện, vui
đùa một cách tự nhiên sao bây giờ cái "tự nhiên" đó trốn đi đâu mất.
Hai đứa ngồi lặng lẽ bên nhau cho đến khi có tiếng trống vào lớp. Nhưng từ lúc đó, cái
không khí nặng nề đeo bám tôi và An trong suốt buổi học cho đến tận lúc ra về.
Ngày hôm sau, An không đi học.
Trưa đó, tôi định chạy qua nhà nó nhưng ăn cơm xong, ba tôi chở tôi đi thăm cô Sáu tôi
đang ốm đến tối mịt mới về.
Qua ngày hôm sau nữa, An vẫn không tới trường.
Sáng sớm vô lớp không thấy nó, tôi đã nghi. Nhưng tôi cố nghĩ là nó đi trễ. Hết mười lăm
phút ôn bài đầu giờ, vẫn không thấy nó xuất hiện, tôi biết chắc nó lại nghỉ học.
Không biết chuyện gì đã xảy ra với An, lòng tôi như lữa đốt. Tôi ngồi học mà người cứ nhấp
nha nhấp nhổm.
Giờ ra chơi, Nhuận hỏi tôi:
- Sao thằng An nghỉ học vậy?
- Tao không biết.
- Chiều mày ghé nó thử coi!
- Ừ, tao cũng định như vậy.