loạt, rồi lắp đạn bắn tiếp. Những loạt súng bắn bừa kiểu “bịt mắt bắt dê” ấy
kéo dài đến những mười lăm phút và hạ sát đến mấy miếng cửa kính.
Trong lúc ấy, Gavroche đã bán sống bán chết tháo lui. Cách năm, sáu
phố, Gavroche mới dám ngồi xuống một trụ đá ở góc đường, thở hổn hển.
Chú lắng tai nghe ngóng. Ngồi thở được một chốc, chú quay mình về phía
có tiếng súng nổ giòn, nâng bàn tay trái lên mũi rồi đưa tay ra phía trước ba
lần, vừa đưa vừa lấy tay phải vỗ vỗ phía đằng sau gáy. Cái cử chỉ ngạo nghễ
ấy của bọn trẻ ranh Paris là kết tinh của tinh thần châm biếm của người
Pháp. Cố nhiên là nó rất hiệu nghiệm, chả thế mà nó đã kéo dài hàng nửa
thế kỷ nay.
Phút tươi vui ấy lại bị một ý nghĩ chua chát làm vẩn đục ngay. Gavroche
càu nhàu:
- Ừ, cười cho lắm, cười lăn, cười bò ra đến nỗi lại lạc đường, giờ thì
phải đi quanh rồi. Thôi! Miễn sao về chiến lũy cho kịp là được!
Nói đoạn chú lại cắm đầu chạy. Vừa chạy vừa tự hỏi:
- Ta hát đến đâu rồi nhỉ? A, nhớ ra rồi.
Chú lại cất tiếng hát bài hát ban nãy:
“Đời còn lắm ngục Bastille
Nền chuyên chế ấy ta thì phá ra
Bất bình há dễ bỏ qua?
Đi đâu hỡi các tố nga?
Dô ta!
Có ai chơi ta thì chơi