- À... à... con hiểu rồi... Người Mỹ nói tiếng Anh như người Pháp nói
tiếng Tây, người Hoa nói tiếng Tàu, người Việt nói tiếng Huế. Nhưng chú
học tiếng Anh làm gì?
- Để biết mấy cuốn phim có chữ Anh mình biết nó nói cái gì chứ mậy.
Cái máy chiếu phim này nè, nó viết bằng chữ Anh không chứ có viết tiếng
Việt đâu. Không học thì coi như bù trớt, nhìn chữ, nó biết mình, mình
không biết nó tức như bò đá. Dầu hèn cũng thể, mình phải học cho nó biết
mặt. Học là chuyện cả đời mà...
- Nhưng sao chú không học chữ Tây?
- Thằng Tây hết thời rồi. Thời này là thời của Mỹ mà... Mầy không thấy
Mỹ đi đầy đường sao?
- Bộ chú định đi làm sở Mỹ hả?
- Cái thằng này, mầy biết một mà không biết hai. Đâu phải ai học tiếng
Anh đều đi làm sở Mỹ hết cả đâu. Mai mốt mầy học đệ thất sẽ được học
tiếng Anh. Người ta học để hiểu biết, để khỏi dốt... Người ta nói câu: “Nếu
không học anh có thể ăn cắp cái bù-lon trên chiếc xe. Còn nếu có đi học thì
người ta có thể ăn cắp cả chiếc xe”.
- Thôi chú ơi, đi học mà để ăn cắp xe thì con không đi đâu.
- Tao nói tỉ dụ vậy mà. Có thể sửa lại câu này là nếu không đi học thì
mầy chỉ được chiếu bóng thùng. Còn nếu như có đi học thì mầy chiếu bóng
trong rạp hát. Mầy khi dể tao quá vậy, dầu hèn cũng thể chớ mậy!
Nó cảm thấy hình như chú Hai Ngon có hai hoặc ba con người. Con
người thật thì nằm ở đâu đó lâu lâu mới bật ra khi chú nói với nó như dạy,
như nhắn gửi. Nhiều khi nó cũng chẳng hiểu gì cả khi nghe chú nhận xét về
điều này, điều nọ, người này, người kia. Nhưng mà hiểu để làm gì? Chỉ cần