những người ngoài biết. Đó gần như là một giao kèo ngầm khi một người
muốn đi vào giới ảo thuật.
Khi người xem ảo thuật cuối cùng ra về, thằng Ti phụ thằng con nhà ảo
thuật dọn dẹp cho sạch sẽ chỗ diễn để ngày mai còn có thể hành nghề. Cảnh
sát kiểm tục sẽ phạt vi cảnh gắt gao những gánh ảo thuật rong làm mất vệ
sinh lề đường, thậm chí sẽ cấm không cho biểu diễn nữa. Thằng con của
nhà ảo thuật lặng lẽ làm việc, không nói lấy một tiếng. Thằng Ti để ý thấy
thằng này hình như không thích nói chuyện. Nhiều lần nó cố bắt chuyện
nhưng thằng này chỉ ừ hử cho có rồi thôi.
Ngồi trên chiếc ghế dựa xếp, nhà ảo thuật châm điếu thuốc hút. Ông
ngồi yên, lặng lẽ, hít từ hơi thuốc này đến hơi thuốc khác. Ông có vẻ trầm
mặc để suy nghĩ điều gì đó. Trông ông vô cùng khác lạ với khi ông diễn trò
để bán thuốc trị đau thận. Sau này, khi gắn bó với ông nhiều hơn nó mới
hiểu đây là bản tính của ông. Thằng Còn, có lẽ thừa hưởng tính này. Nhưng
phần kia, cái phần liến láu để làm trò, để bán thuốc cao đơn hoàn tán để
mưu sinh thì thằng này lại chẳng có được tí tẹo nào. Đôi lúc thằng Ti tưởng
như thằng này là một thằng câm.
Một lát sau, khi thấy thằng Ti và thằng Còn, cả hai đưa đều ngồi bó gối
nhìn ông giữa cơn nắng ban trưa, ông sực nhớ đến giờ phải đi về nhà. Ông
hỏi nó:
- Nhà mầy ở đâu nhỏ?
- Dạ, ở đường Phạm văn Chí.
- Ừ, tao quên hỏi nữa mầy tên gì?
- Dạ, Ti. Trần văn Ti, ông thầy!
Nó học được tiếng “ông thầy” từ mấy anh đi lính trong xóm khi về phép.
Họ thường kêu chỉ huy là “ông thầy”. Nó muốn nhà ảo thuật làm chỉ huy,