Thay lời giới thiệu Đọc Lê văn
Nghĩa, nhớ Sài Gòn
Nguyễn Nhật Ánh
1. Đọc truyện này của Lê văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một
nhà phong tục học.
Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một
thời đại hiện lên sinh động như trong một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện
thiếu nhi của Lê văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn
Nam hay Vương Hồng Sển.
Với tôi, đó là một bất ngờ lớn. Nhưng đến khi coi lại cái tên truyện Chú
chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm
ấy thì tôi không thấy bất ngờ nữa. Ờ, tên truyện gì mà dài loằng ngoằng,
cũng chẳng giống nhan đề một cuốn truyện thiếu nhi. Nó giống tên một
thiên tùy bút, ký sự hay khảo cứu hơn. Ắt hẳn đó là sự cố ý của tác giả.
2. Sau cảm giác bất ngờ, là cảm giác thú vị.
Năm 1966, lúc tụi con nít như thằng Minh, thằng Ti, thằng Chim chạy
nhảy lơn tơn trong truyện, tôi đang học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) ở một thị
trấn nhỏ miền Trung, tức là tôi lớn hơn các nhân vật con nít của Lê văn
Nghĩa một tuổi và học hơn tụi nó một lớp. Tuy không sống ở Sài Gòn,
nhưng do siêng đọc các báo thiếu nhi xuất bản ở Sài Gòn như Tuổi Hoa,
Thiếu Nhi, Thằng Bờm... chuyển ra miền Trung hằng tuần theo xe đò, tôi
vẫn biết các trò chơi của con nít Sài Gòn mà Lê văn Nghĩa mô tả trong
truyện nên khi lần theo từng trang sách Chú chiếu bóng..., tôi bắt gặp mình
sung sướng như gặp lại đám bạn nhỏ thời nào.