4 . Những nhân vật trong truyện Lê văn Nghĩa thuộc tầng lớp dân nghèo
thành thị. Đó là đặc điểm của các quận ven Sài Gòn. Sau 1975, hoàn cảnh
sinh sống của dân lao động những nơi này cũng không thay đổi nhiều so với
dân cư thuộc các quận trung tâm. Một nhà văn cùng thế hệ với Lê văn
Nghĩa là Võ Phi Hùng, xuất thân từ viện mồ côi, sinh sống ở quận 6, cũng
có nhiều tác phẩm viết về trẻ em vỉa hè ở khu vực này nhưng khác với Võ
Phi Hùng, ngoài việc khắc họa tính cách và số phận nhân vật, Lê văn Nghĩa
còn có tham vọng phục dựng khí hậu thời cuộc như anh đã từng làm với tác
phẩm Mùa hè năm Petrus mới đây. Thế mới xuất hiện trong truyện chàng
Mùi trốn quân dịch, chuyện học trò bị “bắt” uống sữa mỗi buổi sáng ở các
trường học, chuyện nhà ảo thuật Khổng Có dạy thằng Ti ngả mũ trước đám
tang, chuyện chị Mari Phông-tên đi làm sở Mỹ và các nhân vật phì phèo
thuốc lá nhãn hiệu Ruby, Salem, Melia...
5. Lê văn Nghĩa, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười, là nhà văn trào phúng đã
trở thành thương hiệu với các nhân vật Đại Văn Mỗ, điệp viên Không
Không Thấy. Đó có lẽ là lý do khi anh viết truyện cho trẻ em, tình huống và
lời thoại của anh rất dí dỏm - nhiều chỗ khiến người đọc bật cười. Tính hài
hước, theo tôi là một phẩm chất cần thiết nhưng vẫn còn thiếu vắng trong
các tác phẩm viết cho trẻ em. Lê văn Nghĩa, với mặt mạnh của mình, đã
khỏa lấp được thiếu sót đó trong tác phẩm mới nhất của anh.
Truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm
nhỏ Sài Gòn năm ấy là một cuốn truyện hấp dẫn, không phải vì nó thuần
túy đem lại tiếng cười. Cách yêu thương đùm bọc giữa bọn trẻ nghèo với
nhau khiến người đọc rưng rưng cảm động. Cách chú Hai Ngon sử dụng
khẩu ngữ bình dân “dẫu hèn cũng thể” thường trực trên đầu môi như một
phương châm sống, cách ông thầy Khổng Có dạy thằng Ti những bài học
làm người bằng lời của thánh hiền kiểu như “nhân bất học bất tri lý” nói lên
cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên, đầy ắp tình người giữa những cảnh đời
khốn khó. Những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó gợi nhớ đến những bài