Họ ăn trầu, vừa thổi lửa nùn rơm vặn ăn thuốc lào, vừa ngồi xổm thưa
chuyện bên khung cửi. Thoáng thấy cái ngáng bõng ngà gác ở trên cột
bương, họ lôi xuống ngắm đi ngắm lại và nói với nhau:
- Này bác Xã, cái ngáng ngà này không phải cái ngáng võng điều của
quan Án ngày trước. Nó sứt mất một đầu kia mà. Bác còn nhớ chứ? Cái lần
qua đò sông Hát, trời mưa gió to quá, tôi lẩy bẩy trượt chân, ngã khuỵu
xuống. Một đầu đòn cắm hẳn vào bùn. Vỡ cái nấc chạm rồng.
Một người quay lại phía cô Tú:
- Cụ Án nhà kể ra là người có bụng thương kẻ dưới lắm. Con tưởng cứ
kể như vị quan khác, thì đến làm tội chứ chẳng phải chuyện chơi đâu.
Sau cùng, cuộc thuê cáng ngã giá đúng tám quan, một cáng đòn ba đi
thấu đến trạm Hà Trung và một cáng đòn đôi chỉ đi đến làng Vòng thôi. Và
sớm mai bắt đầu khởi hành.
Bữa cơm chiều hôm ấylà bữa cơm cuối cùng đãi một ông thầy địa lý.
Cơm có rượu ngon, rất nhiều, và có cả một cái sỏ lợn. Cô Tú và cậu Chiêu
cùng ngồi ăn với cụ Hồ vì cụ muốn thế. Cậu Chiêu thấy cụ Hồ hôm nay lấy
cái bộ áo lề chí sẩu ra mặc, trông cụ lại càng có vẻ Tàu lắm. Thảo nào mà
ngày xưa cụ Hồ là tướng Cờ Đen!
Cô Tú còn ít tuổi mà đã có nét mặt và dáng dấp của người goá trẻ phải
nuôi con nhỏ. Trông cô hôm nay già thêm. Lòng tưởng nhớ vong linh cha
và thương em và tủi cho mình, ở người cô, chiều bữa nay oằn nổi lên nhiều
hơn tất cả bao giờ. Thỉnh thoảng cô quay mặt ra ngoài hỷ mũi kín đáo. Rồi
co lấy dải yếm đưa qua cặp mắt đỏ hoe. Cụ Hồ vẫn cười nói, uống rượu.
- Cô Tú lẩn thẩn lắm. Ông Giời có đóng cửa ai bao giờ. Chị em nhà
cô, thế nào sau này cũng khá.
Đến đây thì cô Tú khóc lên thành tiếng. Cụ Hồ nói tiếp: