Cậu Lãnh còn đang li bì vội choàng dậy, cầm roi chầu đánh luôn mấy
tiếng. Người Cậu Lãnh chỉ còn ở hai cánh tay và hai cái tai, chứ cật và chân
cứng đờ và mắt thì nhắm nghiền, cằm vểnh lên giời. Cô Tơ như mất hẳn
hồn, cái tâm chỉ còn lên xuống theo với bực đàn. Gỗ bục dưới thân tan
loãng đi đâu để cả người Cô Tơ phiêu diêu lững lờ trôi mãi giữa không.
Chưa bao giờ Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy
buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không
gian. Nó nghẹn ngào, liễm két cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm
âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc
bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri
âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm
vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể
chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái
phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối
xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm
vô danh hưu hưu ngọn vàng so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc
sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một
chuyện vướng vít nửa vời.
Tiếng đôi lá con cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên
dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe
tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay
phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao
thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre
cho trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn. Dưới mười ngón tay hoa
múa dẻo quánh, tre trúc bật nẩy lên vì thỏa thích. Đàn và hát dắt nhau mà
lướt bổng. Cậu Lãnh Út mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran. Chưa
hồi tỉnh cuộc rượu của ấp, Cậu lại tự bồi thêm trận rượu của đêm nhạc.
"Đàn ai đàn...".