- Tiền thưởng này chính của quan Công sứ cho. Ta muốn giữ phần cho
ngươi nên ta cho gọi ngươi vào mà lĩnh lấy việc này, gọi là kiếm một chút
bổng để dưỡng cái tuổi già. Chú phải biết khi nhận lấy mười hai tên tử tù
này là chú phải làm việc cho đầy đủ. Chớ để phiền đến ta. Ta đã trót khoe
khoang cái tài chém "treo ngành" của chú với quan Công sứ. Chú nghĩ thế
nào?
- Dạ, bẩm Ông Lớn đã thương đến phận tôi tớ, chúng con xin hết sức
tuân theo. Nhưng bây giờ con già yếu lắm, không biết có còn làm được việc
như hồi xưa nữa không. Vả chăng gần một năm nay, không cầm đến mã
tấu, con e có điều hơi lạc mất ngón đao.
- Ta đã nghĩ đến chuyện đó rồi. Chú còn đủ thời giờ để tập lại lối chém
"treo ngành". Nếu cái nghề chém đặc biệt của chú không thể truyền lại cho
một người nào được, thì ít ra là một lần nữa, chú cũng cho một vị quan Tây
ở đây thấy rõ cái cách chém của một người đầy tớ hầu cận ta là như thế
nào.
- Dạ, bẩm Ông Lớn...
- Chú đừng nhiều lời. Đây này ta cho chú mượn thanh quất của ta mà
làm việc. Sẵn có vườn chuối ở sau kho lúa, cho phép chú lên đó mà tập. Có
ai ngăn cản, cứ đưa cái tín bài này ra.
Quan Đổng lý quân vụ rút khỏi ống bút trên bàn một lá thẻ đỏ, viết
mấy chữ vào mặt thẻ sơn trắng, trao cho Bát Lê.
Thế là từ hôm ấy, Bát Lê lĩnh thanh quất của quan Tổng đốc, leo lên
tường thành, xông xáo trong vườn chuối, hết sức tự do, hết sức tàn nhẫn,
chém ngang thân loài thực vật, trước khi chém vào cổ mười hai người tù
đang đợi ngày cuối cùng.
Vườn chuối trên mặt thành vốn mọc không có hàng lối nhất định. Bát
Lê phải chọn lựa mãi mới được mấy dãy chuối, mọc theo hàng lối thẳng