thắn. Y xoạc cẳng, lấy bước chân đo những quãng trống từ một gốc chuối
này đến một gốc chuối khác. Tiến lên, lùi xuống, đo ngang, đo dọc, tự cho
là tàm tạm được, y bèn nhẹ nhàng phát hết những tàu lá chuối rườm rà. Đấy
là cái khu dọn dẹp sẵn để nhận lấy sự thí nghiệm cuối cùng của một thanh
quất bị bỏ quên đã lâu ngày.
Trước khi hoa thanh quất trong mấy hàng chuối được chọn lựa kỹ
càng kia Bát Lê đã múa đao chém lia lịa vào mọi thân cây chuối khác,
chém không tiếc tay, chém như một người hết sức tự vệ trong một cuộc
huyết chiến để mở lấy một con đường máu cho mình lúc phá vòng vây. Một
buổi sớm, y nhảy nhót trong vườn chuối, đưa lưỡi gươm qua bên phải lại
múa lưỡi gươm qua phía trái, thanh gươm hai lưỡi đã gọn gàng, nhanh nhẹn
phạt qua thân mấy trăm cây tươi còn nặng trĩu lớp sương đêm. Mảnh khăn
vuông vải trắng bịt tóc của Bát Lê đã đẫm ướt và nhựa chuối trát thâm vào
đấy, gặp ánh nắng sớm đã xuống mầu.
Trên đống thân cây trơn ướt, Bát Lê vẫn làm việc, vẫn nhảy nhót như
một kẻ điên cuồng. Cứ một cây chuối gẫy gục xuống cỏ ướt, kêu đánh roạt
một cái thì Bát Lê lại cất tiếng hát:
Sống không thù nhau
Chết nỡ oán nhau
Câu hát được những tiếng cây chuối đổ chấm câu cho và đã vẳng từ
trên mặt thành xuống mặt một bãi dâu ở chân thành...
Tập như thế cho thuần tay hết một buổi sớm và một buổi chiều, Bát Lê
sớm ngày hôm sau lại trở lại vườn chuối đã rầu cả lá, đã khô cả vết thương.
Y hồi hộp chống gươm xuống mặt đất ẩm ngổn ngang sự tàn phá, như một
người cử tử sắp trổ tài ở võ trường với sự phân vân, lo ngại của phút biểu
diễn. Rồi Bát Lê trịnh trọng tiến vào cái khu vườn chuối đã dọn từ hôm