Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước
hiên mai. (1)
-----
(1) Câu đối này lấy của ông Tú Hải Văn.
Năm sau, quãng đê hàn khẩu, chừng hàn không kỹ, lại vỡ luôn một lần
nữa. Cái cổng gạch nhà cụ Sáu vẫn trơ trơ như cũ. Nhưng lần này thì đôi
câu đối giấy hồng điều, gió mưa đã làm bợt màu phẩm mực, ngấn nước phù
sa đã phủ kín dòng chữ bằng những vạch bùn ngang dày dặn.
Ông khách năm nọ - cái người kể câu chuyện ăn mày sành uống trà
tàu - đi làm ăn xa đã mấy năm, nhân về qua vùng đấy, nhớ nhời dặn của cụ
Sáu, đã tìm tới để uống lại với ông già một ấm trà tàu nữa. Nhưng người
khách hỏi nhà ông đến, người khách đã bùi ngùi thấy người ta bảo cho biết
rằng nhà cụ Sáu đã bán rồi. Thấy hỏi thăm tha thiết, người vùng ấy mách
thêm cho ông khách: "Có muốn tìm cố Sáu thì ông cứ xuống Chợ Huyện.
Cứ đón đúng những phiên chợ xép vào ngày tám thì thế nào cũng gặp.
Chúng tôi chỉ biết có thế thôi".
Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa
cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin
được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói giấy giắt kỹ
trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn
quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở,
cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu
đấy là trà mạn cũ.
Những buổi có phiên chợ, cụ Sáu ngồi ghé vào nhờ gian hàng tấm của
người cùng làng, bày ra trên mặt đất có đến một chục cái ấm mà ngày
trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán
cho một chiếc. Có một điều mà ai cũng lấy làm lạ, là cụ bán lũ ấm đất làm