- Thả thơ? Có làm thơ thì có, chứ thầy và các anh ấy có nói thả thơ
bao giờ.
Cô Tú vốn yêu những cậu học trò nhỏ tuổi của cha mình như một
người chị lớn đối với em út, cô không khỏi nín cười để giảng:
- Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng này một câu thơ bảy chữ mà chỉ...
có sáu chữ thôi. Còn một chữ thì để trống và thay vào đấy một cái khuyên
tròn. Cái khuyên tròn thay chữ đó thường gọi là chữ vòng. Đây này, chị lấy
một câu làm thí dụ thì các em rõ ngay. Các em biết câu: ‘Quân hướng Tiêu
Tương, ngã hướng Tần" đấy chứ? Ừ, thí dụ bây giờ định thả câu thơ ấy. Và
định vòng chữ "hướng" ở đoạn dưới. Thầy sẽ viết vào mảnh giấy nhỏ này:
"Quân hướng Tiêu Tương, ngã... Tần". Và khi ngâm câu thất ngôn có sáu
chữ ấy lên thì thường phải ngâm: "Quân hướng Tiêu Tương, ngã...
"vòng"... Tần. Chữ "vòng" đây thay vào chỗ để trống. Bây giờ mới nói đến
những chữ "thả" ra. Thí dụ thầy thả năm chữ: cố, tại, vọng, phản và luôn cả
cái chữ hướng trong nguyên văn. Thường chỉ thả có năm chữ thôi.
Tụi trò nhỏ thấy chuyện thả thơ ngộ nghĩnh, nghe lấy làm khoái chí,
trố mắt nhìn cô Tú, giục cô nói tiếp.
- Muốn đánh chữ gì thì chọn lấy một trong năm chữ mà đánh. Đánh
trúng thì một đồng ăn ba đồng. Nhưng mà đây là chuyện của người lớn
tuổi. Các em ra tập bài đi, bao giờ thành người lớn rồi sẽ biết.
- Nhưng mà biết thế nào là được, là trúng hả chị? Lạy chị giảng cho
một chút nữa, rồi các em xin đi ra bục học bài ngay, để chị rọc giấy.
- Trên đầu mẩu giấy con này, thầy sẽ viết cái chữ thả, thí dụ là chữ
phản. Rồi thầy cuộn tròn đầu giấy lại, giấu chữ ấy đi, chỉ còn độ hở cái
khoảng viết mấy chữ: "Quân hướng Tiêu Tương ngã... Tần", với một cái
khuyên tròn thay vào chỗ trống. Nếu trong năm chữ cố, tại, vọng, phản,
hướng em chọn lấy chữ phản mà đánh mà làm thành ra câu: Quân hướng