lại các tập thơ cổ, tìm sẵn những chữ "vòng" chữ "thả" thì vừa. Cô Tú nhà
ta giọng trong và ấm tiếng lắm.
- Để tôi xem xem có nên không đã.
- Cụ không phải nghĩ nữa. Vậy đệ xin đính ước với bác đến tuần trăng
sau. Ừ, bây giờ chúng ta là cuối hạ. Bắt đầu sang thu mát trời, thả thơ thì
tuyệt. Nhà lại ở bên sông, còn chờ gì mà không làm một cái nhà bè trên mặt
nước. Kể cũng đủ di dưỡng tính tình và đỡ cho khoản nhật dụng.
Khách đi rồi, cụ Nghè Móm nghĩ đến hồi trước, cụ đi lại với bạn đồng
liêu, những lúc thừa nhàn, không đánh tổ tôm, chơi cờ tướng, thì lại bày
một cuộc thả thơ hay là leo lên một đôi trái núi đá. Cái buồn thấy đời là
ngắn là ít, chớm qua lòng một ông già đã muốn yên phận với chữ bài.
Bắt đầu từ hôm ấy, những tập thơ cổ được giũ lớp bụi ngầu và ra khỏi
cái níp sách sơn son. Cụ Nghè Móm bắt đầu nghiền lại tập thơ của người
xưa. Đường thi, Tống thi, Minh thi; đọc đến một bài, đọc hết một câu, gặp
được một chữ đột ngột, cụ ngừng lại, ghé mắt kém vào mặt chữ nhỏ như
con kiến, cụ vắt tay lên trán, nghĩ ngợi và lẩm bẩm. Rồi cụ ngồi nhổm dậy,
sao cả bài thơ ấy vào một cuốn sách giấy bản mới mẻ. Nhưng thường cụ
chỉ trích lấy một câu ở những bài thơ đọc rất kỹ lưỡng đó. Ngày năm câu,
ngày ba câu, một ngày gần đấy, cuốn sách đã đặc những dòng chữ thảo
chép những câu thơ rút ở cổ thi. Cô Tú theo lời cha dặn, đã đi mua sẵn rất
nhiều tờ giấy bạch rọc giấy ra từng mảnh dài bằng chiếc đũa và ngang to
bằng hai ngón tay. Đám học trò nhỏ, đầu còn để cái chỏm dài lẩn thẩn hỏi
cô Tú, cô vui vẻ trả lời:
- Đừng nghịch, thầy trông thấy, thầy mắng chết. Giấy này để làm gì à?
Thầy sẽ viết những câu thơ cổ vào đấy để bày ra giữa chiếu những lúc thả
thơ.