- Chơi cái gì thì chơi, chứ đến cái lối đánh thơ thả, cái nghiệp những
anh đã hay chữ lại thêm tự phụ, là chỉ mãn kiếp thua không còn lấy một
đồng một chữ tiền.
- Và có nhiều đứa dốt cay dốt đắng, thì lại mỏi tay vơ tiền.
- Quan bác có biết tại sao không? Đệ cho không có cái nào lợi hại
bằng lão Phó Sứ. Hắn lấy ý tứ ra mà dò tiếng bạc của từng người. Nếu lão
biết quan bác thích lối thơ liệu, đọc lên âm thanh và niêm luật tròn trĩnh,
nhịp nhàng, thế là lão cũng rình lão thả một đôi chữ rất quê kệch hay là khổ
độc. Quan bác mấy khi lựa những chữ quê kệch mà đặt tiền. Vậy nên lão
vòng những chữ rất ngớ ngẩn đó. Thế là quan bác mất nghiệp, nếu bữa đó,
quan bác lại đặt tiền đến tột cửa. Và lão lại còn bán cho mấy cửa đánh
những chữ ngô nghê mà lão biết trước sao mình cũng khinh rẻ.
- Kỳ tháng trước, quan Kinh phải đi khám án mạng ở vùng quê thành
ra bỏ lỡ mất buổi thả thơ mà tôi rất lấy làm hứng thú. Ngài nghĩ, tôi đã nghĩ
bắt thóp được một câu do vô ý của mụ Mộng Liên. Nguyên hôm ấy, lão
Phó Sứ cho thả năm chữ: cầm, thử, đan, thiếp, sầu trong câu thơ mà lão
"vòng" chữ đầu. "Vòng tâm duy hữu dạ đăng tri". Kể cũng khó đánh đấy
chứ. "Ngọn đèn dầu ban đêm soi tỏ, biết cho tấm lòng gì?". Lòng đàn?
Lòng son? Lòng một thiếu phụ? Lòng sầu? Phân vân lạ. Bỗng tôi thấy mụ
Mộng Liên ngồi cạnh, nhìn chăm chú vào chữ thả đứng đầu là chữ cầm, rồi
mụ thánh thót bấm khẽ mấy tiếng đàn nguyệt. Tôi đánh ngay chữ cầm ngài
ạ. Tôi đoán già là lúc ở nhà vòng chữ, chồng đưa đùi cho vợ gối, lão Phó
Sứ đã bị tiếng đàn của vợ dạo lên buổi đêm ảnh hưởng nên lão mới thả chữ
cầm. Và đánh chữ cầm, thế nào cũng ăn. Hôm ấy tôi đặt hai chục được sáu
chục và muốn tỏ ý cám ơn người đánh đàn một cách kín đáo, hôm sau tôi
đã mua biếu Mộng Liên một cây đàn nguyệt có bốn cái trục bằng ngà voi
nẩy. Đấy, chơi thơ, nhiều khi tâm lý nhiều vào là ăn.
- Tâm với lý gì. Có biết thả thơ, lão Phó Sứ thường mua lại của ai
không? Mua của Tào Sắt bên phủ Tuy Lý Vương! Hai ba đồng, tiền công