cho ngày mai của mình. Vợ chồng ông Phó Sứ chưa bao giờ nghĩ đến việc
làm một cái tổ ở một chỗ nhất định nào.
Quê hương của họ là Cờ bạc và Đờn hát. Nhà cửa đôi lưu đãng ấy gửi
vào trong cái truy hoan của thiên hạ. Cái lãi trong đời bấp bênh của họ là ở
chỗ nhiều người đã nhắc nhỏm tới cái tên Mộng Liên và Phó Sứ, mỗi khi
lứa đôi chậm tới hay là đã lâu rồi mà chưa thấy trở lại. Người đánh thơ
được, người đánh thơ thua xiểng liểng, ai ai cũng đều nhớ đến họ những
khi xa vắng. Hình như bấy nhiêu người đều nhận ông Phó Sứ là đáng mặt
làm nhà cái cho những buổi thả thơ rất nên thơ; mở xong mỗi tiếng thơ có
khi ăn thua từng mấy chục bạc, người ta đều ngâm đi ngâm lại câu thơ thả.
Nhà con, nhà cái đều ngâm vang cả nhà, chừng như muốn thi nhau một cái
giọng tốt, chứ đồng tiền mất đi hay thu về được gấp ba số đặt, thời có gì là
đáng kể. Giữa hai tiếng bạc trên một chiếc chiếu la liệt những mảnh thơ đề,
Mộng Liên đêm đêm kề đùi tựa má ông Phó Sứ, lại đánh đàn, lại ca Nam
bằng, ca Nam ai.
Có lẽ không riêng gì ở một nơi, mà ở mọi nơi, những lúc sốt ruột chờ
mong vợ chồng ông Phó Sứ trở lại với túi thơ, mỗi buổi gần giờ tan buổi
hầu, những lúc việc quan thanh thản, bao nhiêu thầy thừa phái ở các ty
Phiên, ty Niết và những ông Hậu bổ, Thông Phán tỉnh, Kinh Lịch đã nói
những câu:
- Quái lạ, sao cữ này hai ông mụ đó đi lâu quá chưa trở lại thả thơ cho
bọn mình chơi hè!
- Đánh thơ của lão Phó Sứ có cái rất thú là được thua chi chi, mình
cũng đều lấy làm thích cả. Bởi vì lão biết chọn những câu rất hay mà thả.
Mỗi lúc ngâm lên, cái hay của câu thơ đã làm cho bọn mình lạnh hết cả
người.
- Chẳng thế mà quan Kinh ngài đã mấy lần phải bán lương non, thua
nhẵn.