CHÙA ĐÀN - VANG BÓNG MỘT
THỜI
Nguyễn Tuân
www.dtv-ebook.com
Đánh Thơ
Giữa quãng cuối đời vua Thành Thái và đầu đời Hoằng Tôn Tuyên
hoàng đế, đất Thuận Hóa, có ba người đàn bà rất đẹp và rất lẳng lơ.
Bằng cái sắc, bằng tiếng ca, bằng cái tiểu xảo, bằng cái duyên lúc kín
đáo, lúc lộ liễu, ba người đàn bà đẹp ấy đã thừa tô điểm cho xứ Huế trong
một thời.
Cái thời ấy là thời của nhà nước Bảo hộ tạm gọi là yên trong cuộc bình
định. Nơi quê hương, vào những ngày u hoài âm ỷ, gió Đông Bắc còn gửi
mãi về cái mùi diêm sinh đem từ ngoài bờ cõi vào. Nhưng, mặc kệ, dưới
chân một nếp hoàng thành, bên bờ một con sông nước không bao giờ có
sóng, mỗi ngày vẫn có ba người đàn bà ca hát từ lúc mặt trời tắt cho đến lúc
mặt trời mọc. Tiếng đàn hát trên mặt nước một con sông nông lòng và
không gợn chút tăm cá, đã vẳng đưa ra rất rộng. Thấy thế, một vài ông già
mặc áo vải, mỗi lúc chống gậy trúc ra bến, ngắm bóng nắng tàn rụng phía
bên tả ngạn sông Hương, đã thốt ra những lời than thở.
Nhưng, giọt lệ già của người mặc áo vải rỏ rơi xuống, thì cát nơi bãi
sông cứ việc thấm hút và uống cạn. Và có một cái gì vẫn còn lại mãi mãi ở
hai bờ sông Hương thì vẫn chỉ là những tiếng hát. Tiếng đàn hát của giai
nhân.
Họ là một bộ ba có ba cái tên rất đẹp, rất thơ mộng: một người là
Mộng Liên, một người là Mộng Huyền, một người nữa tên là Mộng Thu. Ở
Huế, những cái miệng tuổi tác đã bắt đầu theo thị hiếu mà nói luôn luôn