Con heo con làm ông an ninh ngẩn ngơ. Ông quay sang thằng Cu, ngơ
ngác hỏi, có thể thấy mũi ông dường như dài ra thêm một tấc:
- Nó hát bài gì à?
Thằng Cu bối rối đáp, cố để đừng đỏ mặt:
- Không… không… Câu luyến láy này có nghĩa… “đột nhập vào nhà bà
Tươi”.
37
Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện rốt cuộc là những nhân vật nổi bật
nhất trong buổi sáng hôm đó.
Khác với lũ nhóc, cả ba ý thức rất rõ những lợi ích mà thứ ngôn ngữ đặc
biệt của chúng đem lại.
Trong khi lũ heo con, gà con, chó con vẫn chơi đùa một cách hồn nhiên, tất
nhiên không giấu vẻ khoái trí trẻ con trước sự săn đón của khách du lịch và
giới truyền thông thì các bà mẹ huy động tất cả vốn từ một cách có chủ ý
nhằm giới thiệu như một thực đơn hấp dẫn dành cho đám đông.
Cả ba luôn cặp kè bên nhau, thoáng thấy bóng người đến gần là lập tức trổ
tài đối đáp bằng những mẫu câu đã được âm thầm tập dượt từ trước đó nhiều
ngày, không chỉ nội dung mà cả cách nhấn giọng, những quãng lặng, những
đoạn ngân nga khiến cuộc trò chuyện bỗng véo von như phát ra từ một dàn
nhạc giao hưởng.
Đèn flash chớp nháy, tiếng máy quay phim chạy rè rè được đệm bởi những
tiếng “ồ”, “à”, “ối chao” của khán giả càng làm bà mẹ heo, bà mẹ chó, bà mẹ
gà kích động, mỗi lúc một cao giọng, gây cảm giác dàn nhạc giao hưởng vừa
bổ sung thêm nhiều nhạc cụ điện tử để chuyển qua trình diễn loại rock nặng
vẫn được biết tới dưới tên heavy metal.
So với chị Nái Sề, chị Vện và chị Mái Hoa, một nhân vật cũng lăng xăng
không kém trong ngày hôm đó là bà Hai Nhành. Bà đi tới đi lui giữa các con