- Ta có nói trò cũng không biết đâu. Khi nào lớn lên trò sẽ tự khắc hiểu.
Ở ngoài vườn, bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm đang thao thao giảng bài
cho du khách thứ ngôn ngữ độc đáo của các vật nuôi và giúp cho họ thực tập
với chị Vện, chị Nái Sề và chị Mái Hoa. Thằng Đuôi Xoăn và lũ gà con chạy
nhảy lơn tơn giữa các luống rau thỉnh thoảng cũng bị giáo sư Hai Nhành và
giáo sư Sáu Thơm lôi vào để minh họa cho bài học.
Nhờ sa đà vào các tiết học ngoài trời đầy lý thú, đám đông tạm nguôi ngoai
đề tài Lọ Nồi.
Khi ông an ninh dẫn đầu đám người và vật ra vườn thì khắp nơi đã tràn
ngập những chiếp chiếp, gô gô, un un, quang cảnh chẳng khác mấy lễ hội
ngôn ngữ quốc tế do Hiệp hội Linguafest’37 tổ chức hàng năm ở thành phố
Tours bên xứ Phú Lãng Sa.
Một nhân viên mặc đồng phục cảnh sát chạy đến đưa chiếc loa cho ông an
ninh và khi ông bắt đầu thông báo bằng giọng trịnh trọng sự có mặt của chú
heo Lọ Nồi thì mọi cuộc thực tập ngôn ngữ lập tức dừng lại.
Trong vòng một phút, không biết chuyển động bằng cách nào, đám đông
đã tạo thành một vòng rất tròn chung quanh bọn người mới xuất hiện.
Cả đống cái miệng nhao nhao:
- Lọ Nồi là con heo nào?
- Là con đeo nơ ư? – Một người nói khi nhìn thấy nàng Đeo Nơ không biết
quay lại từ lúc nào và đang đứng cạnh thằng Lọ Nồi.
- Không phải đâu! Lọ Nồi chắc là con heo có bớt đen trên mặt.
Thằng Lọ Nồi lúc này đã hoàn toàn bình tĩnh. Một khi “sóng gió tình
trường” đã trôi qua, con người (cũng như con heo – và tất tần tật các con vật
khác) không còn thấy run sợ trước bất cứ điều gì trên đời nữa.