Chắc chắn mẹ đang đứng trên một chiếc ghế cao! Để nhìn gì thế nhỉ? Hay
là để xem mình có léng phéng gì với nhỏ Hà không? Thằng Cu nơm nớp nhủ
bụng nhưng rồi nó tươi ngay nét mặt khi nghĩ đến những ngày sắp tới: nhỏ Hà
đã hứa sẽ giúp nó tìm con heo đi lạc, có nghĩa là thằng Lọ Nồi sẽ có cơ hội đi
lạc thêm nhiều lần nữa (mà thằng heo con này thì rất khoái trò đi lạc), tức là
nó sẽ lại có dịp gặp gỡ nhỏ Hà, lần này chắc chắn cuộc trò chuyện bên trong
và bên ngoài hàng rào sẽ dệt bằng toàn những lời thơ mộng. Và để cho sự thơ
mộng thơ mộng hơn nữa, nó sẽ yêu cầu nhỏ Hà gọi nó bằng cái tên đi học,
cương quyết không cho gọi cái tên ở nhà.
Trong khi bà Đỏ đứng trên cao nhìn xuống, thằng Cu đứng giữa vòng tròn
nhìn ngang thì thằng Mõm Ngắn nằm bẹp dưới đất nhìn lên. Nó tò mò quan
sát sư phụ nó, và khi thấy thằng Lọ Nồi cứ chốc chốc lại ngoảnh đầu liếc sang
nàng Đeo Nơ, nó gật gù lẩm bẩm “Ra chuyện tình cảm tức là nhìn một ai đó
rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi… đến
chừng nào mỏi cổ thì thôi! Chán ngắt!”.
43
Câu chuyện này đến đây xem như đã được kể xong và cuốn sách mà các
bạn đang cầm trên tay hoàn toàn có thể bỏ chung một túi với các cuốn sách
dạng happy ending, tiếng Việt gọi là kết thúc có hậu, còn ngôn ngữ quái chiêu
của các vật nuôi nhà bà Đỏ gọi là gì thì phải đợi thằng Cu và thằng Lọ Nồi
nghĩ ra. Chuyện tình bé con (nếu có thể miễn cưỡng gọi đó là chuyện tình)
của hai chủ tớ thằng Cu đã tìm thấy con đường để đi tiếp, còn đi như thế nào
là chuyện của tụi nó, tác giả truyện này hứa sẽ bí mật theo dõi, nếu thấy gì
hay hay thì rất sẵn lòng kể lại, tất nhiên là trong một dịp khác.
Còn bây giờ, trước khi các bạn khép lại cuốn sách, tác giả tin rằng có
những điều cho dù tác giả không nói thì các bạn cũng có thể hình dung ra:
“Nếu có một nơi nào đó trên trái đất mỗi ngày là một ngày hội thì đó chỉ có
thể là nhà bà Đỏ”.
“Nếu có một đứa con trai mười ba tuổi nào đó vừa trông nom vật nuôi vừa
mong vật nuôi mỗi ngày đi lạc vài lần thì đó chỉ có thể là thằng con bà Đỏ”.