Nguyễn Đắc Xuân
Chuyện các bà trong cung Nguyễn
- 7 -
BÀ VÃI VÂN DƯƠNG
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) có 18 con trai và 12 con gái. Người con
gái trưởng phương danh là Ngọc Huyên, nổi tiếng nhất trong các hoạt động
giúp nhà Nguyễn. Mẹ bà người họ Tống, bà hạ giá cho quan Chưởng cơ
Nguyễn Cửu Thống.
Năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào đánh phú Xuân,
ông Thống chết, bà rất đau buồn bèn cạo đầu đi tu ở Vân Dương. Vì thế người
ta gọi bà là bà vãi Vân Dương.
Hơn mười năm sau, quân Tây Sơn giải phóng Phú Xuân khỏi tay quân Trịnh
(1786), lăng tẩm của dòng họ Nguyễn bị quật phá tan tành, bà rất đau xót. Từ
đó bà nuôi chí chống lại Tây Sơn. Bà sai người con rể là Nguyễn Đức Tuấn đi
khuyến dụ nhân dân tìm mọi cách bảo vệ các tôn lăng. Nguyễn Đức Tuấn,
người làng Cư Chánh đã làm theo lời bà và đã thành công trong việc giữ gìn
được một phần hài cốt của Nguyễn Phúc Luân (thân sinh Nguyễn Ánh) để sau
này lập công với Gia Long.
Năm Tân Hợi (1791) bà cử người đi thuyền vào Gia Định tâu cho Nguyễn Ánh
biết sự động tĩnh và binh lương của Tây Sơn ở Phú Xuân, đồng thời dâng lên
một tập Hoài Nam Ca khúc của Hoàng Quang (người xã Thái Dương) sáng tác,
nội dung cho Ánh biết lòng dân vẫn còn có người hướng về dòng họ Nguyễn.
Được tin ấy Ánh rất vui mừng, cử ngay người về Phú Xuân, ẩn trú trong nhà bà
để hoạt động… Đức Tuấn được giao tiền bạc đi chiêu dụ dân chúng, nhất là
binh tướng của Tây Sơn. Nguyễn Ánh còn giao cho bà nhiều giấy tờ khổng chỉ
có dấu triện của Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh) để bà tùy cơ điền tả vào mà
ban cấp.
Việc làm của bà không may tiết lậu ra ngoài. Quân Tây Sơn đến vây nhà. Lúc