Trong những ngày Nguyễn Ánh ngược xuôi đi cầu viện, đánh rồi lại thua, thua
rồi lại đánh… bôn tẩu hết Xiêm đến Việt, khi Việt cùng đường lại chạy sang
Xiêm, thì bà Nguyên Phi vẫn một mình hết lòng hầu hạ mẹ chồng. Nhiều lúc
tính mạng hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, bà vẫn bình tĩnh vượt qua. Ngoài
việc hầu hạ mẹ già, bà Nguyên Phi còn thân hành may dệt nhung phục cho quân
binh. Cũng có lần quân Nguyễn giáp trận với quân Tây Sơn, thế đối phương
mạnh hơn, quân Nguyễn núng thế. Thấy vậy bà đã tự tay nổi trống thúc quân
làm cho binh lính Nguyễn hăng hái xông lên và cuối cùng đã thắng lợi…
Sau ngày triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long hỏi bà chuyện thỏi vàng
năm xưa… Bà ung dung đem vàng ra trình lên. Gia Long vô cùng cảm động,
cầm lấy nửa thỏi vàng và bảo rằng:
- Vàng này mà còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian
nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết.
Dứt lời, vua lấy nửa thỏi vàng của mình ráp với nửa thoi vàng của bà Nguyên
Phi (lúc đó đã được phong hoàng hậu) rồi trao hết cho bà.
Hoàng hậu vâng theo lời dụ, về sau trao lại cho vua Minh Mạng.
Khi Minh Mạng lên ngôi, ông liền đem thoi vàng hai mảnh ấy đưa cho hai vị
đại thần Phạm Đăng Hưng và Nguyễn Hữu Thận xem và phán rằng:
- Vàng này là của tin mà đức Thế tổ đã trao cho Hoàng tỉ (tức Thừa Thiên
Cao Hoàng hậu), nay Hoàng tỉ lại trao cho Trẫm.
Sau đó thoi vàng hai mảnh tín vật này được đưa vào thờ ở Điện Phụng Tiên.