Nguyễn Đắc Xuân
Chuyện các bà trong cung Nguyễn
- 16 -
TÌNH THƯƠNG CỦA CÔNG CHÚA QUI ĐỨC (1824-1892) ĐỐI VỚI
CHỒNG
Công chúa Qui Đức biệt hiệu Nguyệt Đình, con gái thứ 18 của vua Minh Mạng,
em (cùng mẹ) với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.
Bà Qui Đức là người thông minh nhanh nhẹn, tính nết thuần hậu. Thuở nhỏ học
nữ sử ở nội cung, lớn lên bà hay ngâm vịnh và học luật thơ Đường với Miên
Thẩm.
Năm mười sáu tuổi (1850) bà hạ giá lấy ông Phạm Thuật (em út bà Từ Dũ).
Công chúa sinh ở chốn thiên gia, lấy chồng nhà thích lý, nhưng vẫn giữ nếp
sống khiêm tốn, không hề xa xỉ, khoe khoang. Về sách đọc bà chỉ ưa đồ thư
(tức sách học nhà trường) và chư sử (truyện kể). Khi lấy chồng, bà cùng chồng
xướng họa thơ, phú và thường có những bài hay được các bậc vương trưởng
khen ngợi.
Năm 1861, giặc Pháp đến Nam Kỳ, vua Tự Đức mật chiếu cho ông Phạm Thuật
chồng bà, vào Nam phỏng sát. Nhiệm vụ khá nặng nề và nguy hiểm, Phạm
Thuật đã hy sinh. Vua Tự Đức rất thương tiếc và hỏi bà rằng:
- Bà cô muốn đưa quan cửu Phò mã về ngay hay đợi cho xong việc, dùng
thuyền chở về Kinh hoặc cứ đưa về Gia Định an táng, cho tâu rõ thực tình!
Công chúa liền dâng biểu xin cho trạm đưa về Kinh ngụ. Bài biểu này được
người đương thời hết lời ca ngợi. Tài năng và tình cảm của công chúa đối với
chồng, đối với đất nước đã thể hiện rất rõ qua lời văn.
Sau đây là nguyên văn bài biểu:
“Lang quân tôi, tháng trước vâng mật chiếu, ở chốn cấm môn tới nơi biên cảnh,
thơ hoàng ba dò hỏi thương về việc nước lúc rối ren, chốn lữ khách dần dà, mất
ở trong khi làm phận sự, chọn tiết làm tôi, không dài tuổi thọ.