- nhà tiền bối Trương Vĩnh Ký, cũng là một cây viết khôi hài thuở nay
ít ai biết : trong cuốn của tôi, còn nhiều hàng viết bằng bút chì xanh đỏ,
nguyên bút tích nhà học giả nầy, chứng minh ông muốn tái bản và có sửa
đổi ít nhiều, nhưng tôi thấy không tiện ghi lại vì sợ rườm rà. Ý tôi là chép
lại y nguyên văn bản in, để thấy chữ quốc ngữ cách gần một trăm năm,
không thay đổi mấy.
- văn quốc ngữ trong Nam, buổi phôi thai, nhứt là của ông Trương
Vĩnh Ký, viết rất dễ dàng, y hệt như văn nói chuyện, và chứa đựng nhiều
chữ thông thường, khi lạm dụng thì văn trở nên nặng nề, nhưng khéo không
là ở chỗ dùng đúng lúc đúng chỗ : thì, mà, thì là, đó hé, đó hử, đó chúc,
làm xầy, làm điếm, đánh lột da… cơ khổ thôi nhưng…
- tuy trong chuyện khôi hài, nhưng ông Trương Vĩnh Ký nhắc lại
những mảnh sử vụn buổi giao thời : tích ông tổng Trắm đạo Tiền quân,
chuyện ông Tán lý Thường và ông Ngô thì Sĩ, chuyện Tú Suất, chuyện mấy
ông ghẹ hầu mấy ông quan lớn đời xưa, và ông khéo kể lại những dụng cụ
từ khí nay không còn thấy biết nữa : cái cọ, cái xiểng, võng điều, cái nồi
bung, nồi niêu, cái hầu bao, cái ruột tượng, v.v…
Ngày nay, thiếu chi người tự phụ không cần đọc văn xưa. Tôi lại sưu
tầm và kiếm không có mà đọc.
Nói chuyện tiếu lâm mà không kể chuyện Cống Quình thì vẫn còn
thiếu. Vậy đây là chuyện ông vua cười Trạng Quình cùng với năm chuyện
khác, đều tuyển chọn trong những bộ sách hiếm :