Chương 3
GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN
S
cour sụp đổ đánh dấu việc Kalanick lần đầu thất nghiệp. Dù trải nghiệm
kinh doanh đầu tiên ở tuổi trưởng thành vừa mới kết thúc, ông đã trở thành
một doanh nhân được trui rèn. Cũng như Steve Jobs, người được gia đình
khai mục nghề nghiệp trong giấy khai tử là “doanh nhân”, Kalanick xác định
số mệnh và niềm vui của mình nằm ở việc khởi sự các công việc kinh
doanh. Sau cùng, trong suy nghĩ của ông, hai phẩm chất quan trọng nhất để
trở thành một doanh nhân là sáng tạo và ngoan cường.
Tính ngoan cường dường như được lập trình sẵn trong Kalanick. Như rất
nhiều cậu bé cùng thời của mình, ông đã cùng bố tham gia một chương trình
do YMCA tổ chức có tên Indian Guides. Mọi cậu bé dẫn đường và bố mình
đều được đặt tên “da đỏ”. Kalanick là “Sói Cười” – bởi vì, ông nói, “Tôi lúc
nào cũng cười” – và bố ông là “Sói Điên”. (Một tiết lộ mà tôi nghĩ là cần
thiết: một thập kỷ trước đó tại một nơi khác của nước Mỹ: bố tôi và tôi có
tên là “Gấu Lớn” và “Gấu Nhỏ” trong chương trình YMCA.) Indian Guides
là một sản phẩm của thời đại đó – một cơ hội cho những ông bố trụ cột gia
đình dành thời gian cho con trai thông qua các hoạt động ngoài trời. (Một
chương trình tương tự dành cho các ông bố và con gái có tên là Indian
Princesses.) Tuy nhiên, điều Kalanick nhớ nhất về chương trình này không
phải là thời gian vui chơi với bố mà là việc ông bán những chiếc vé ăn sáng
bánh kếp để gây quỹ. “Tôi luôn là nhân viên bán hàng giỏi nhất,” ông nhớ
lại đầy tự hào ba mươi năm sau. “Tôi đứng trước siêu thị Hughes vào lúc hai
giờ chiều và bán những chiếc vé ăn sáng trong bộ quần áo người da đỏ. Và
tôi bán đến 11 giờ tối. Tôi sẽ còn bán tiếp nếu bố mẹ không đến lôi tôi về.”
Khao khát bán được nhiều hơn những cậu bạn khác không ngừng lại, tuổi
thơ của Kalanick là một vòng xoay nỗ lực. Ông chơi bóng chày và bóng đá,