mắt. Bà cụ đứng nép một bên cửa ra vào, khum người xuống, miệng
thì nói: “Chào bác sĩ và quý khách. Xin mời quý khách vào thăm tệ
xá”. Bác sĩ giám đốc nói lời đáp lễ, khi chúng tôi vào phòng rồi thì
bà cụ nói: Xin mời quý khách an tọa (bà cụ chỉ các ghế đôn mời
ngồi). Sau khi hỏi qua sức khỏe của bà cụ, bác sĩ chỉ cái bàn thờ phía
bên trái căn phòng và hỏi: “Thưa bà, bàn thờ đó bà thờ ai vậy?”. Bà cụ
trả lời rằng: “Đó là bàn thờ Tổ quốc”.
Trên bàn thờ có đủ cặp chân đèn (bằng gỗ), bát hương, khay có
bình trà và bốn cái chung, có bình chưng hoa, có đĩa lớn đặt trên
chân gỗ, trên đĩa có một trái đu đủ. Đặc biệt là hai bên bàn thờ ấy lại
có hai cành tre cột vào chân bàn thờ. Một trong hai cái cành tre ấy
có dây và cả lưỡi câu, còn cành tre kia thì trên đầu có một cục vải
tròn cỡ quả bóng bàn. Bác sĩ giám đốc hỏi bà cụ sao bàn thờ mà lại
cột cầu câu chi vậy? Bà cụ chỉ cành tre có chỉ và lưỡi câu và nói: “Đây
là cần câu để câu bọn Việt gian. Còn cái cần kia (cành tre có quả
bóng vải nhỏ) là cần giục, để thúc giục Bác Hồ làm cho mau độc lập
đất nước”.
Chúng tôi nghe bà cụ nói mà ngạc nhiên, mà khâm phục bà già
điên. Chúng tôi đều im lặng, kể cả bác sĩ giám đốc, chắc là trong
lòng mọi người đều xao xuyến. Để khơi chuyện tiếp, chị Bảy Anh
vuốt ve cái áo của bà cụ và nói: “Bà mặc áo đẹp quá. Lần sau khi lên
đây thăm bà, cháu sẽ mua hàng vải đẹp biếu bà”. Bà cụ đưa tay lên
như cản ngăn và nói: “Đừng, đừng cho bà vì bà còn đủ áo quần để
mặc, cháu hãy để cho đồng bào nghèo của mình đi cháu. Đồng bào
của mình hãy còn nhiều người nghèo lắm, cháu à”.
Nghe bà cụ nói như thế thì mình khá xúc động, suy ngẫm: “Phải
chi những người giàu có, dư ăn dư mặc mà có tấm lòng như một bà
già điên như thế này thì thế gian này đâu có kẻ đói rách ăn xin”.