tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, để học hết khóa học căn bản này đến
khóa học nâng cao khác, hết ông thầy giọng ca này đến ông thầy nhạc lý
khác. Nhưng rồi chẳng bao lâu, công sức lẫn tiền bạc mà anh đã dành dụm
được đã chẳng giúp gì cho ước vọng lớn lao của mình. Anh mau chóng
nhận ra rằng để trở thành một ca sĩ ngôi sao không phải là chuyện dễ dàng,
với anh lại càng không thể được nữa. Trong nghề này, ngoài giọng ca trời
cho người ta còn phải biết luồn lách khéo léo, biết chiều chuộng để lấy lòng
các ông bầu, những người có toàn quyền sinh sát trong giới ca nhạc. Lại
phải biết đối phó với đủ thứ ghen ghét đố kỵ của đủ loại người ăn theo ánh
đèn sân khấu. Và còn phải biết trèo lên đầu của đồng nghiệp để leo lên thì
mới mong trở thành ca sĩ hàng đầu. Vốn là một người hiền lành, tốt bụng
nên Bảo Liên không có được các khả năng đó, nên anh chỉ có thể trở thành
một trong vô số các ca sĩ thường thường bậc trung của làng ca nhạc thành
phố mà thôi. Rốt cuộc thì chẳng có đám đông cuồng nhiệt nào vây lấy anh
để xin chữ ký và ánh hào quang của sân khấu cũng không rực rỡ như anh
đã tưởng.
Nhưng anh đã không có can đảm để rút ra và trở về với nghề ngiệp cũ
của mình. Anh sợ mọi người ở nhà máy sẽ cười nhạo và chế riễu anh như
một kẻ thất bại trở về. Hơn nữa như một kẻ ăn ngon quen miệng, anh lại
thích cái nghề ăn trắng mặc trơn này, được hàng đêm xuất hiện trong ánh
đèn rực rỡ của sân khấu. Thế là anh an phận chấp nhận cái nghề ca hát như
một nghề nghiệp để kiếm sống. Hàng đêm anh lên sân khấu để hát như một
người "thợ hát", cũng như trước kia anh gò lưng bên cỗ máy tiện vậy.
Vợ anh đã nhiều lần nói với anh rằng, nếu anh không còn lòng đam mê
nghệ thuật nữa thì hãy thôi đi hát để trở về với nhà máy cũ. Cô ấy còn nói
đại loại như : “Làm nghệ thuật cũng giống như một người bơi ngược dòng
sông. Ngừng lại có nghĩa là thụt lùi”. Vợ anh còn nói nhiều nữa nhưng Bảo
Liên đã gạt đi. Anh còn cười nói là anh sẽ đem tiền đều đều cho gia đình,
dù anh có bơi tiến bơi lùi gì cũng được.