đá lửa và phiến quẹt đánh vài tia lửa vào thức ăn cho chú tiểu. Nghe nói,
mỗi khi người thân quên, chính các chú tiểu yêu cầu: "Cho xin tí lửa, cho
xin tí lửa!" Bổn phận của các chú tiểu vào dịp lễ Ghion không chỉ đóng
khung trong một ngày họ ngự kiệu dẫn đầu đám rước. Các chú có không ít
công lên việc xuống, và chả nhẹ nhàng gì! Phải đến chúc tụng từng quận có
công làm kiệu, mà đấy cũng chưa phải hết. Tóm lại lễ Ghion là một tháng
tròn, và chú tiểu thì suốt tháng bận lút đầu lút cổ. Mười bảy tháng bảy là
ngày rước kiệu, nhưng đối với dân cố đô thì có lẽ, ngày mười sáu - hôm
trước ngày lễ - chứa đựng một vẻ mỹ miều hơn nhiều.
Lễ Ghion đang tới gần.
Ở cửa hiệu của Chieko người ta đã dỡ dãy hàng rào tô điểm cho mặt tiền
ngôi nhà để tu bổ.
Chieko cả đời ở Kyoto, hơn nữa cửa hiệu của cha mẹ nàng cách Đại lộ
thứ tư không xa. Nếu còn tính đến chuyện Chieko có chân trong hội đệ tử
chùa Yaxaka - tổ chức viên chủ chốt của ngày lễ, thì sẽ thấy ngay rằng,
nàng chả lạ gì lễ Ghion. Ngày lễ Kyoto vào tiết hè nóng nực ấy...
Nàng đặc biệt thích thú khi nhớ lại cảnh chú tiểu Shinichi ăn vận bảnh
bao ngự trên chiếc kiệu thứ nhất ra sao. Bao giờ Chieko cũng nhớ lại cảnh
ấy mỗi khi lễ Ghion bắt đầu, cả nhạc công chơi nhạc và những chiếc kiệu
được trang hoàng các hoa dây kết bằng đèn lồng. Thuở ấy Shinichi và
Chieko mới độ bảy, tám tuổi.
- Cậu bé xinh đẹp thế, đến đám con gái cũng chả bằng. - Người ta bàn
tán về cậu.
Bấy giờ Chieko theo Shinichi đi khắp chốn - cả lúc cậu đến thánh điện
Ghion để thụ phong phẩm hàm thứ năm, có lúc cậu ngự kiệu trong khi
rước. Nàng nhớ cả lúc Shinichi có hai bạn đồng lứa tóc cắt ngắn đi kèm tới