- Mẹ ạ, mẹ sáng suốt quá, nhìn thấy trước cả.
- Con nhầm.
Hai mẹ con yên lặng một lúc. Không chịu đựng nổi, Chieko phá tan bầu
yên lặng trước.
- Con ra chợ Nhixiki mua thức gì ăn tối nhé.
- Con cứ đi đi.
Chieko qua cửa hàng rồi xuống dama 7. Ngày trước, gian phòng hẹp này
cắt ngang toàn bộ nhà và kết thúc ở bếp, ở đó nằm giữa cửa hàng và vách
hậu là cái hỏa lò "nhọ" - kudo. Ngày nay, lẽ dĩ nhiên người ta không nấu ăn
bằng hỏa lò nữa. Để làm việc ấy đã có cái bếp ga đặt phía sau hỏa lò, dưới
lát sàn ván. Chứ trước kia, nền đất xung quanh hỏa lò chỉ quét vôi, nên việc
nấu ăn khi phải đúng chỗ gió lùa trên cái nền như vậy là cả một tội vạ trong
những mùa đông Kyoto lạnh lẽo.
Nhưng dẫu sao người ta vẫn giữ lại cái hỏa lò. Có lẽ, do sùng tín vị thần
bảo hộ bếp lửa gia đình (ngay bây giờ vẫn có thể thấy những bếp lò như
vậy trong nhiều ngôi nhà Kyoto). Sau bếp lò treo các lá bùa phòng hỏa
hoạn, còn trên cái giá con là một dãy các pho tượng nhỏ vị thần sung túc
Hotay. Có tới bảy pho tượng, hàng năm vào ngày mồng một tháng Ngọ
người ta mua một pho ở chùa Inari 8 bên Phuxeni. Nếu trong gia đình có ai
mất, người ta lại góp tượng từ đầu - mỗi năm một pho.
° ° °
Trong nhà họ có bảy pho tượng thần Hotay. Điều đó có nghĩa là, ít nhất
cũng đã bảy năm rồi không có ai trong gia đình họ đi sang thế giới bên kia,
- họ vốn có, cũng như vẫn còn lại ba người với nhau: cha, mẹ và Chieko.
Bên cạnh các pho tượng Hotay xếp thành hàng và chiếc lọ cắm hoa bằng sứ
trắng. Cứ hai ba ngày bà Xighe lại thay nước trong lọ và lau chùi cái giá.