May mắn cho tôi là đến tận năm 1944 mới bị bắt vào Auschwitz, nghĩa là
sau khi chính phủ Đức do ngày càng thiếu nhân công lao động đã quyết định
kéo dài thời gian sống của tù trước khi giết, và do đó đã cải thiện cuộc sống
ở trại và tạm dừng các đợt hành quyết vô tội vạ.
Vì thế cuốn sách này của tôi sẽ không thêm được chi tiết kinh khủng nào về
những trại hủy diệt đã nổi tiếng với bạn đọc toàn thế giới. Cuốn sách không
được viết với mục đích đưa ra những lời buộc tội mới mà là để đưa ra vài tư
liệu cho một nghiên cứu khách quan về tâm trạng con người. Rất nhiều cá
nhân cũng như dân tộc, cố tình hoặc không, đã từng coi "kẻ khác máu là kẻ
thù". Suy nghĩ ấy lan sâu vào tâm trí giống như một vết nhiễm trùng ẩn kín,
chỉ hiện ra trong những hành động bất thường không định trước chứ không
nằm trong một ý thức hệ nào. Nhưng khi nó đã xuấthiện khi đức tin không
nói ra ấy trở thành tiền đề chính cho một chuỗi suy diễn thì kết quả cuối
cùng sẽ cho ra Lager. Lager là sản phẩm của một quan niệm về thế giới đã
mang đến những hệ quả với một sự kiên định khắt khe: chừng nào cái quan
niệm ấy còn sống sót thì những hệ quả vẫn còn đe dọa. Câu chuyện về các
trại diệt chủng cần được tất cả mọi người coi là một dấu hiệu nguy hiểm
nghiêm trọng.
Tôi nhận thức được những nhược điểm về bố cục của cuốn sách, mong độc
giả tha lỗi. Từ những ngày ở Lager các ý định và quan điểm về cuốn sách
nàv đã ra đời dù tôi chưa viết. Cái nhu cầu được kể với những "người khác",
chia sẻ với những "người khác" đã tạo nên trong chúng tôi, khi bị giam cầm
cũng như sau này khi được giải phóng một động lực mänh liệt và cấp thiết,
thậm chí át cả những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuốn sách được
viết để thỏa mãn nhu cầu đó, mục đích đầu tiên của nó chính là để giải tỏa
nội tâm. Cũng vì thế mà sách được bố cục rời rạc, các chương không được
viết theo một trình tự logic mà theo mức độ cấp thiết cần được viết ra. Việc
liên kết chúng được thực hiện về sau.