chào các cụ. Các cụ bèn truyền cho phường hát tạm im trống mõ. Quế đưa
ông thủ từ cái khay đồ lễ, kèm ba đồng bạc giấy mới. Ông từ mời Quế vào
lễ. Một hồi chuông trong cung thánh vang lên. Không khí u tịch. Lễ xong,
các cụ sai “giai hóa” mời “bà phủ” ngồi lên chiếu hoa nghe hát.
Quế cáo mệt xin về. Sau lưng, Quế nghe thấy người ta xì xào khen mình
trẻ đẹp. Họ bàn với nhau “Bà ấy buôn bán chắc phát tài lắm. Người cứ mỗi
ngày thêm béo trắng ra”.
Ra khỏi chỗ ồn ào, Quế thấy dễ chịu. Vẻ trang nghiêm mà người ta đã
tạo nên vì cái sự “lễ thánh” và chính cũng vì cái “danh giá không còn nữa”
của mình khiến Quế hổ thẹn và khó chịu.
Bà mẹ giữ cháu ở lại xem hát. Một mình Quế ra khỏi đình, đi về xóm.
Ánh trăng trắng các ao bèo và loáng trên những cành tre.
Về đến nhà, Quế thấy ông khóa đang buông màn ở cái giường vẫn dành
riêng cho Quế những khi về đình đám hay giỗ Tết. Ông quạt muỗn gài màn
cẩn thận rồi bảo con, giọng nghiêm mà nhân hậu:
- Thôi con đi mà nghỉ. Đi xa về mệt.
Ông chỉ nói vậy thôi, rồi lẳng lặng ngồi bên đèn, mở sách xem. Quế biết
tính cha vẫn thế. Từ ngày Quế lạc vào chốn yên hoa, rồi thì cuộc đời chìm
nổi bao lần, ông chỉ nghiến răng, vuốt bụng thở dài. Ông không mắng,
không han hỏi, cũng không bao giờ nhìn dung nhan con gái. Do thế, Quế
càng kính sợ cha, kính sợ để thương xót thêm nhiều.
Quế lẻn ra ngoài thềm, ngồi phệt xuống dựa lưng vào thân cột. Quế nhìn
bóng ông khóa in lên vách, câm lặng như một tượng hình khổ hạnh nghìn
đời, Quế nhắm mắt lại, mơ trong ánh trăng đôi mắt chiêu đăm và nghiêm
nghị của người đàn ông trẻ tuổi chắc đêm nay cũng ngồi câm lặng như cha
mình.
Tiếng trống chèo ở ngoài đình đưa văng vẳng vào trong xóm, tiếng tù và
rúc xa ngoài cánh đồng.
Ông khóa, không ngẩng lên, khẽ gọi:
- Quế vào thầy bảo.