Quế đứng khóc một mình giữa sân. Bóng trăng non mờ xanh giãi tà tà
trên nền sân gạch. Một lần nữa, trong cái vắng lặng, thấy mình chơ vơ, Quế
lại vụt nghĩ đến ngày xưa, ruộng đất còn nhiều, đã có những tối sáng trăng
về vụ gặt, trên khu sân rộng rãi này ngát mùi cơm mới, vang lên tiếng đập
lúa, tiếng hát ví lẳng lơ của phường trai gái gặt thuê. Bây giờ sa sút đi rồi,
ruộng đất về tay kẻ khác. Bố mẹ thì già. Quế thì không chồng mà vẫn đèo
bồng hai con. Thân tàn đi, tuổi lên mãi, Quế chưa biết rồi mai sau ra thế
nào.
“Anh Phong ơi!”.
Người kỹ nữ xót xa ngửa mặt ngước nhìn ngôi sao Hôm mọc bơ vơ giữa
vùng trời cao rộng. Nàng nghĩ đến hình bóng đôi cánh tay ai giơ lên trong
ánh trăng lạnh đêm xuân.
Người đàn ông trẻ tuổi buổi chiều nay cũng đi với Quế một chuyến tàu.
Mỗi người xuống một ga. Cảnh chia tay trên đường trường lần thứ nhất đã
khiến Quế lo sợ ngày biệt ly. Vẫn đã biết “Ca trường nào thiếu biệt ly”.
Quế trải biệt ly nhiều rồi. Nhưng lần này, tạm chia tay người đàn ông trẻ
tuổi kia trong cuộc đồng hành, Quế thấy lòng muốn khóc, tưởng như là chia
tay trọn kiếp. Quế tưởng tượng giờ này người ấy cũng đang đứng một mình
giữa cái trại mênh mông ở quê nhà, và có lẽ người ấy cũng nhìn sao để nghĩ
đến mình. Quế nhớ, một lần người đàn ông ấy đã ngỏ lòng mình trong một
phút rung động nhất: “Đêm kia, ở trại, anh đã ngủ dưới một tà áo xanh”.
Quế không hiểu. Nhưng rồi Quế cũng hiểu được rằng: anh ấy nằm dưới
một vòm trời đêm xanh, mà nghĩ rằng nằm dưới tà áo xanh của Quế. Thâm
tình đó khiến Quế kiêu hãnh với chính mình, nhưng càng khiến Quế phải
khóc thêm nhiều.
Bà mẹ đã nhờ được người về bẻ cau. Bà vui vẻ giục con rửa mặt để ra
đình.
Quế dắt con, cùng mẹ ra ngoài xóm. Trong đình, phường chèo đã khua
trống mõ giáo đầu.
Quế bước vào đình. Ai cũng ngoảnh ra nhìn người đàn bà tỉnh thành
sang trọng, xinh đẹp, nhất là người đàn bà ấy đã là một bà quan. Quế cúi