- Mẹ đừng mắng nó. Tại lần này nó trông con khác đi chăng, nên nó lạ.
Bà mẹ nín lặng, rồi đáp:
- Ừ, ta trông độ này cô béo đẫy đà ra đấy. Chó lạ là phải.
Quế vừa bước lên thềm vừa nói:
- Nhưng sao con vện gầy ốm thế kia?
Bà cụ lại nín lặng. Một lát, bà mới chép miệng:
- Trời đất này, con tính, ở nhà quê người chẳng có mà ăn, lại còn đi trách
chó gầy.
Quế nghe mẹ nói, rầu mặt lại. Cô nhìn xuống đôi giầy mới và chiếc áo
lụa màu rượu vang lộng lẫy của mình, Quế nghĩ đến những bữa cơm gạo
hẩm, cà mặn, rau già ở nhà quê để so sánh với những canh rượu trắng đêm
của bọn khách chơi nói tục, uống say, đập phá, ném tiền như rác.
Quế thở dài. Bà mẹ mắng:
- Cái con bé này cứ thấy mặt là thấy thở dài. Không trách, trong tử vi, bố
mày bảo còn là khổ.
Nỗi đau xót từ bao lâu đến lúc này Quế không còn nén nuốt đi được nữa,
cô lăn ra giường nức nở. Bà mẹ nhìn con, chép miệng cúi đầu bước ra sân,
xuống bếp. Một lúc, bà lên, đập vào chân con gái:
- Con ngủ đấy à? Dậy ăn cơm. Có xôi thịt lộc thánh ông ấy dặn để phần
cho con gái ông ấy đây. Chả báu lắm đấy!
Quế bừng mở mắt, vươn vai, ngồi lên, cười:
- Thế mà con ngủ thật à. Đêm qua thức suốt tới sáng mà.
Hai đứa con xán đến gần mẹ. Quế ôm con vào lòng hôn hít. Bà mẹ ngồi
xuống giường, xới cơm cho con ăn:
- Mày là mẹ trẻ con rồi mà vẫn như con trẻ, khóc ngay đấy, cười ngay
đấy. Giá mày đi hát chèo thì đóng vai Vân dại được. Ăn đi, rồi tối ra đình.
Đón được một phường, thấy bảo là hay lắm.
Quế buông đũa, nhìn ra sân. Bóng nắng chiều đã tắt. Quế mỉm cười nghĩ
bụng: “Ừ, anh ấy, một lần, cũng viết thư bảo mình khóc cười như Vân dại”.