- Bẩm bà lớn không biết cháu. Cháu là cu Hĩ, ở xóm Ruối làng bên đấy
ạ.
Mặt Quế đỏ bừng lên. Năm năm trời, bỏ bình khang lấy lẽ một ông quan
già, chửa đẻ hai lần, rồi lại trở về bình khang, Quế đã đành coi là một giấc
mộng hồng nhan, hồ quên đi thì kẻ kia lại nhắc nhủ Quế nhớ đến nỗi chua
cay của số kiếp mình giữa một trường hợp bất ngờ, đột ngột.
Quế ngượng nghịu, khẽ đáp:
- Cảm ơn ông… nhà tôi vẫn mạnh.
“Bà phủ đấy”. Người đàn ông ôm chó ghẻ thì thầm với một ông già.
Chừng ý anh ta muốn khoe khoang, sĩ diện với mọi người là anh ta quen
biết một bà vợ quan. Cũng như những người làng bên, anh ta yên trí Quế
vẫn là bà phủ như thường. Người làng Quế thì đều biết Quế đã bỏ chồng,
bây giờ đành phận gửi hai con cho bố mẹ ở quê nuôi. Họ còn tin rằng Quế
mở một cửa hàng thóc gạo ngoài Hà Nội.
“Vâng, cháu nó buôn bán ngoài ấy, nhờ trời phật cũng khá, bận lắm,
thỉnh thoảng mới về thăm nhà được”.
Bà mẹ Quế thường đáp mọi người như vậy. Duy ông cụ thân sinh ra Quế,
là nhà nho, chỉ thở dài lặng lẽ.
Từ nãy chiếc xe ngựa đã qua mấy cánh đồng và bao nhiêu quán nước cô
độc bên đường vắng ngắt. Quế mong chóng đến nơi. Cô rất lo người đàn
ông ôm chó kia gợi đến chuyện chồng con, chuyện “danh giá” của mình
ngày cũ, những chuyện đã khiến Quế khóc nhiều.
Xe đỗ, Quế đi trên con đường nhỏ vào làng. Làng vào đám. Cửa đình cờ
lọng uy nghi. Dân đang tế. Quế qua cửa đình, đầu cúi xuống. Bao nhiêu
người cất tiếng chào cô, nhất là những bà, những cô đang xem tế. Ông cụ
thân sinh ra Quế ngồi trong sân đình với các bô lão trông ra thấy con, vẫn
ngồi yên không nhúc nhích. Bà mẹ Quế thì tất tưởi dắt hai cháu chạy ra
đón. Quế tay ẵm đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn, chào hỏi mọi người, nói với mẹ,
nựng hai con.
Về đến cổng nhà, con chó vện sổ ra sủa ầm ĩ. Bà mẹ quắt mắng chó. Quế
cười bảo mẹ: