Quế ăn xong, bưng bát chè tươi tráng miệng. Mùi ngai ngái của những
chiếc lá xanh khiến cô nao nao nhớ lại những buổi chiều ngày xưa trên
mảnh sân lát gạch Bát Tràng rộng của nhà, về vụ gặt, sau những bữa cơm
ầm ĩ, cũng có những bát chè tươi vàng nóng thế này, dưới ánh trăng, tiếng
đập thóc và tiếng hát của bọn thợ gặt cất vang làng xóm.
- Nước ngon đậm quá! Bà nấu bằng nước sông?
- Thưa bà, sông dạo này cạn, bẩn lắm. Nhà cháu nấu bằng nước giếng,
nấu khéo cũng ngon.
Quế trả tiền, đứng lên. Ở sân nhà bên kia, cách quán một bờ rào dâm bụt
có tiếng người con gái hát. Không phải câu hát ví von của gái đồng ruộng,
mà là bài hát “gửi thư”. Cái hơi gió đoạn trường thấm ngay vào lòng Quế,
như hơi sương giá thấm mái tóc con người cô độc đi trong đêm khuya. Quế
vén cành lá, ghé mắt nhìn vào sân. Người con gái mặc chiếc áo lót mình
màu hồng đã vá, rách, đang ngồi giặt bên chum nước. Quế nghĩ tới phận
mình. Năm sáu năm trời, đã có biết bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều, Quế
cũng ngồi giặt như thế kia, cũng đôi khi buồn miệng thì hát lên vài câu hát
thuộc lòng mà Quế đã hát vào ban đêm cho người ta nghe. Hai cánh tay yếu
đuối giũ vò mớ quần áo nát bẩn vì canh rượu nô đùa, vì cuộc yêu đương ô
trọc phần nhiều là uy hiếp. Giặt giũ xong thì mắt Quế hoa lên, hâm hấp sốt.
Những lúc đó Quế chỉ mong được giấc ngủ bù cho đỡ ốm, không thiết gì ăn
uống.
- Khổ, ở đây thì ma nó hát ư!
Quế tắt vội ý nghĩ bằng câu nói thầm thì ấy. Cô rẽ ra xa. Người đàn bà
bán bún riêu cũng chạy ra, chừng đi đâu nhổ cốt trầu rồi quay lại toe toét
cười:
- Ấy, thưa bà, cái nhà tơ này mới dọn được hai tháng nay, cũng có khi có
khách liền năm sáu tối. Khách toàn các thày đề, thày lại, chánh, phó, lý cả.
Cũng có khi ba bốn đêm ngồi ế. Cứ sáng trăng mà vắng khách là các cô ấy
mặc quần áo trắng lồm lộp dắt nhau đi nhởn nhơ như ma trơi, trông mà ghê.
Người đàn bà vui tính, hay nói lấy câu chuyện làm quà cho người hàng
tỉnh. Nhưng Quế không muốn nghe. Cô đi vội ra cỗ xe ngựa chở khách ở