xuống đình làng Thượng bán trước khi phường hát lên trống giáo đầu.
Mai bảo cái Ba mang dao ra vườn chặt vội mấy cây mía, đẵn thành tấm
xếp vào hai bên thúng. Còn Mai thì ra giàn trầu không bứt vài chục lá đem
bỏ lẫn vào tráp đựng diêm, thuốc lá, thuốc lào. Giúp đỡ con, bà Trương vác
chiếc thang tre ra vườn sau nhà trẩy buồng cau, mươi trái bưởi vội đem
vào.Bà luôn miệng dặn dò con gái:
- Phải có ý tứ, nghe chưa? Con giai họ chòng ghẹo thì không được híp
mắt cười, mà cũng chớ nên gắt gỏng. “Làm hoa cho người ta hái, làm gái
cho người ta trêu”. Tiền nong phải cẩn thận, con gái mà lơ đễnh thì ruột
cũng không còn.
Bà vặn cao ngọn đèn hoa kì, ngắm nghía Mai.
- Vào mở hòm lấy cái thắt lưng sồi mới của u mà thắt. Mà phải mặc cái
quần lĩnh vào chứ, mặc váy trong đám hội nhỡ ngồi vô ý thì mày bỏ xác
mày, con ạ.
Mai thẹn đỏ mặt, cãi bà Trương:
- U đến hay nói! U đã thấy con vô ý bao giờ chưa?
Mai vui vẻ cầm cây đèn con vào buồng sắm sửa.
Một lát, Mai bước ra, bẽn lẽn như cô dâu mới. Thấy con xinh đẹp, gọn
gàng, mặt bà Trương hình như tươi lên một chút. Bao giờ bà cũng muốn
giữ trọn câu “Giấy rách giữ lấy lề” của ông tú, chồng bà, căn dặn lúc lâm
chung. Bà không dám để làng xóm khinh rẻ bà về nỗi sa sút cửa nhà, chỉ vì
việc làm ma cho ông tú bà đã bán ruộng, giết bò thết đãi khắp mặt dân. Đã
nhiều bữa, ba mẹ con gài chặt cửa ăn khoai, húp cháo trừ cơm. Cũng có khi
khoai, cháo chẳng đủ mà ăn nữa. Bà cùng Mai cố tần tảo tháng ngày. Bà
nuôi lợn, trồng dâu, làm đậu phụ bán cho người trong làng. Mai dành dụm
được chút vốn, sắm đôi tráp sơn đựng thuốc lào, thuốc lá rồi chờ phiên
gánh ra chợ bán. Công sức tần tảo ấy, bình thường cũng tạm đủ, song
những lúc không may gặp phải chuyện gì, hoặc cái Ba ốm, hoặc Mai hay bà
Trương ốm, lại thiếu ăn.
Bao nhiêu năm sống như vậy, bà Trương đã mất nhiều nước mắt mà Mai
cũng vì cảnh nhà mà sắc đẹp giảm dần đi. Song Mai được cái tính ít lo