buồn. Sầu khổ mấy cũng chỉ khiến Mai ngồi thừ ra một lát rồi chợt thấy đôi
chó mèo cắn nhau ngoài sân, hay thấy cô bạn thân nào đến trò chuyện, đùa
bỡn, tức thì Mai lại cười giòn giã, lại nói liến láu, át cả tiếng thở dài của bà
Trương ở trong buồng. Vô tư lự như thế, Mai luôn bị mẹ mắng. Mai không
chừa được, tuy đã thử cố buồn, cố khóc. Có lúc bị mắng xong, Mai dớ dẩn
hỏi bà Trương: “U nhỉ, có lẽ kiếp trước con là con chim sáo sậu, là con
chích chòe cho nên kiếp này ông trời cứ bắt con phải nói cười luôn, chạy
nhảy luôn. U có tin thế không? Nếu tin thế thì từ rày, u đừng mắng chửi con
nữa nhé”.
Mai nhí nhảnh thế nên bà Trương mắng mỏi miệng, rồi cũng phải bật
cười.
- Thôi đi đi, kẻo chưa đến nơi, tuần đinh họ đã đóng cổng đình thì khốn
đấy.
Mai nhai miếng trầu cho đỏ miệng, soi vội mặt vào mảnh gương vỡ cài
trên liếp rồi đặt gánh lên vai.
Hai chị em ra khỏi nhà mấy bước, Mai dừng chân đổi gánh sang vai,
quay đầu nhìn bà Trương đang lích kích chèn chốt cửa. Lòng Mai tự nhiên
chua xót, cô thương mẹ già suốt đời vất vả, không bao giờ được an nhàn
như các bà Lý, bà Bá trong làng. Chợt nghĩ đến những vụ trộm, vụ cướp
xảy ra luôn trong hàng tổng và cũng thường xảy ra ở chính làng mình, cô
băn khoăn lo cho mẹ. Mai toan dặn bà Trương soi đèn kĩ dưới gậm giường
gậm phản, nghe ngóng tiếng chó cắn, tiếng chân đi ngoài xóm, nhưng bà
Trương thấy chị em cô chậm chạp, đã nhìn ra khe cửa mắng:
- Hai con ranh kia không đi, còn nhí nhảnh gì nữa đấy?
Cô khẽ “vâng” rồi rảo bước qua bờ giếng đá, lũ bạn cô gọi lại, cô chẳng
trả lời. Các cô chế Mai ban nãy, giờ lại chế:
- Cái Mai hãy ngồi chơi ván tam cúc nữa để chờ kết tốt đen. Mày đã có
ông tướng điều thì làm gì mà chẳng kết.
Họ cười vang lên. Cô cũng vừa cười, vừa rảo cẳng.
Ra khỏi cổng làng, men theo bờ một dải sông đào rất rộng nước lên cao
gần mấp mé bờ, chị em Mai đi mải miết. Dưới ánh trăng, đôi bóng mờ mờ