thổi sự sống vào thủy tinh, và cứ mỗi tuần trôi qua, Sei càng cảm thụ rõ hơn
vẻ đẹp của những đồ vật mà cô có thể vẽ nên trong trí tưởng tượng.
Yakichi bắt đầu đưa Sei đến chợ phiên cuối tuần trong vùng, ở đó ông có
một quầy hàng bán những món đồ họ làm ra. Đàn ông bắt đầu bu lại như
kiến. Họ nói muốn xem đồ thủy tinh nhưng thật ra, dĩ nhiên, họ đến để
ngắm người thiếu nữ quyến rũ ấy. “Bản thân cháu mới giống thủy tinh làm
sao,” một ông lão không thể kìm được đã nói thế, rồi chạy biến đi như một
con cua bò ngang trên bờ biển khi nhận ra rằng những từ đó thật sự đã vuột
khỏi mấy cái càng của mình.
Rất nhanh chóng, hàng của họ đã bán hết veo trước giờ ăn trưa. Hầu hết
những món đồ ở đó đều được cánh đàn ông mua - thậm chí để làm quà tặng
vợ - đơn giản vì họ muốn được sở hữu chiếc bình chứa hơi thở của Sei.
Yakichi rất hài lòng. Công việc kinh doanh phát đạt hơn bao giờ hết, tài
chính cũng tốt, và Sei dần trở thành một thợ thổi thủy tinh giỏi. Nhưng dù
thành công như vậy, Yakichi chỉ ước kiếm được một người chồng cho con
gái mình. Dù là một người cha cưng con hơn trứng, ông vẫn muốn hưởng
tất cả những gì cuộc đời ban tặng, và ông nghĩ, một đám cưới “ra tiền” sẽ
củng cố thêm lợi ích dòng họ.
Thế là ông bắt đầu sàng lọc trong đám đàn ông hay qua lại gian hàng của
mình. Họa sĩ, chủ đất, ngư dân, nông dân, binh lính và samurai, đủ cả. Chắc
chắn rồi, ông mỉm cười nghĩ thầm, chẳng thiếu gì người đến cầu hôn. Xét
cho cùng, Sei có nhan sắc, tài năng, sức khỏe và một nhân cách tốt đẹp, lại
còn chung thủy nữa. Cô sẽ trở thành một người vợ đảm và một người mẹ
tốt, bất cứ ai cũng có thể thấy thế, và việc dàn xếp một đám cưới có lợi là
quá dễ dàng.
Khi Yakichi đến gần con gái để gợi ý điều đó, cô đã rất choáng váng.
“Con biết truyền thống là như thế,” cô khóc nấc lên, “nhưng con chưa bao