“Tôi chưa từng biết ông vẽ tranh.”
“Vì lý do tốt đẹp,” Seymour nhăn mặt nhíu mày với cảnh vật xung
quanh như thể còn lâu mới đạt yêu cầu để ông cầm cọ vẽ và bảng màu. “Bố
tôi hẳn đang xoay trở không yên dưới mồ nếu như ông biết tôi... ở đây.”
“Vậy ông tới đây để làm gì?”
“Tôi đang tự hỏi liệu anh có thể sẵn lòng tìm giúp một thứ gì đấy cho
một người bạn của tôi hay không.”
“Người bạn đó có tên không?”
Seymour không đáp lại. Thay vào đó, ông mở cái cặp giấy tờ và lôi ra
một tấm hình khổ chừng 20x25cm rồi trao cho Gabriel. Đó là ảnh chụp một
phụ nữ trẻ hấp dẫn đang đăm đăm nhìn thẳng vào máy ảnh, tay cầm một ấn
bản ba ngày trước của tờ International Herald Tribune.
“Madeline Hart?”
Ông Phó Giám đốc người Anh gật đầu. Sau đó ông đưa cho Gabriel
một tờ giấy khổ A4. Trên đó chỉ có một câu soạn bằng kiểu chữ đơn giản
không có nét hoa mỹ:
Chúng mày có bảy ngày, hay con này phải chết.
“Khốn kiếp,” Gabriel nói thật nhẹ nhàng.
“Tôi e rằng... sẽ tốt hơn.”
Thật trùng hợp, ban quản trị Khách sạn King David đã đặt Graham
Seymour, con trai độc nhất của Arthur Seymour, ở cùng một cánh của
khách sạn đã bị phá hủy vào năm 1946. Thật vậy, phòng của ông ở gần cuối
cái sảnh mà ở đầu là phòng bố ông đã dùng làm văn phòng suốt những
ngày tháng suy tàn của chế độ ủy trị của Vương quốc Anh ở Palestine
(British Mandate). Khi tới đó hai người bạn thấy bảng XIN ĐỪNG QUẤY
RẦY vẫn còn treo nơi chốt cửa cùng với một cái bao đựng tờ Jerusalem
Post và tờ Haaretz. Seymour dẫn Gabriel vào bên trong. Hài lòng vì không
có ai vào phòng khi mình vắng mặt, ông đưa một đĩa DVD vào máy tính