mẹ đã bị tước đoạt những nhu cầu ấy? Đừng nhìn đâu xa, có lúc nào trong
tất bật công việc kiếm sống mỗi ngày, chúng ta nhín lại một ít thời gian cho
con em mình? Vui chơi, lắng nghe lời tâm sự, san sẻ buồn vui mỗi ngày với
chúng có phải là điều quá khó khăn?
Tôi nghĩ, ngay từ thuở lọt lòng, mỗi đứa trẻ là một biểu tượng sống
động nhất về hình ảnh Thiên đàng dưới trần thế.
Thiên đàng ấy, mỗi người có một ước mơ.
Ngày xửa ngày xưa, đọc một truyện ngắn của nhà văn Võ Hồng, đến
nay, mỗi lần nhớ, lại cảm động. Ngày đầu năm, người cha đã cho treo trên
tường một kỷ niệm của gia đình: “Đó là bức ảnh chụp mộ má. Ba ngày sau
khi chôn cất má xong, ba đặt thợ xây mộ. Khi mộ hoàn thành, ba đưa chị
em ra thăm... Ba chị em đều mặc áo tang. Màu trắng của áo quần tang nổi
lên nền đen của ngọn núi đàng sau”. Với phong tục Á Đông, ngày đầu năm
nhắc đến tang ma là điều xúi quẩy. Chẳng phải đâu, người cha trầm ngâm
bảo, bức ảnh ấy nhằm nhắc nhở các con “khi có điều gì đáng giận nhau thì
hãy nhìn vào trước khi giận”, để nhớ lại các con “đều chịu chung cảnh mồ
côi má từ thuở thơ ngây đó cho đến suốt đời. Cả ba đều khổ. Hãy thương
yêu nhau”.
Hãy thương yêu nhau, “thông điệp” ấy nào của riêng ai. Chưa bao giờ,
lòng yêu thương đang dần trở thành một thứ xa xỉ như hiện nay. Có quá
nhiều thông tin cho thấy cái ác đang lấn lướt, như sóng dữ vồ ập lên đời
sống khốn khổ, quá nhiều bất trắc... Trên đường phố, chỉ cần một cú va
quẹt, một cái nhìn thiếu thiện cảm, một câu nói nghe không lọt tai, là có thể
giết nhau dễ dàng như lật bàn tay. Đâu rồi lời dạy của mẹ từ mỗi nếp nhà:
“Lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn
trao”? Đâu rồi, “Thương người như thể thương thân”? Có những câu hỏi,
ai cũng hỏi mà chẳng thể trả lời.
Chà, sao lẩn thẩn thế?
Ai đời, ngày đầu năm không ước mơ điều gì to tát hơn mà chỉ quanh
quẩn trong vài câu tục ngữ, ca dao xưa như trái đất. Sao không ước mơ
“hiện đại” hơn? Chẳng hạn, năm mới sẽ giàu hơn, “sành điệu” hơn, “đẳng
cấp” hơn? Đúng quá. Hãy tự chúc trong ngày đầu năm niềm ước mơ ấy.