những tưởng có thể chết đi được nếu không lấy được người đó làm chồng”,
chị tâm sự. Ngược lại, nhiều đấng mày râu cũng có cảm giác ấy. Có kẻ
quan niệm “không ăn được, phá cho hôi”, có người xử sự như câu thơ của
Pushkin: “Cầu mong em được người tình như tôi đã yêu em”. Ai cao
thượng hơn?
Sau cơn mưa rồi trời lại sáng. Sự vận động trong trời đất cũng không
khác gì lòng người. Lúc giông bão cuồn cuộn có thể biến mình thành kẻ
khác, nếu không bình tâm mọi việc sẽ xấu đi. Có người ngậm ngùi hối tiếc:
“Biết thế này, lúc ấy đã giải quyết theo cách khác”.
Vâng, có nhiều cách nhìn nhận, tháo gỡ một cuộn chỉ đang rối.
Nếu đã nhẫn nại tìm mọi cách mà vẫn không thể, cách tốt nhất hãy
buông bỏ. Đừng nuối tiếc giữ lại. Đời người chỉ sống một lần, vậy hà cớ gì
phải ôm lấy sự buồn tủi, oán hận ấy theo suốt năm tháng còn lại? Có một
người ngao ngán với thất bại não nề, cay đắng ê chề trên đường đời, đường
tình đã hỏi vị thiền sư: “Thưa thầy, con không muốn sống nữa”. “Tại sao?”.
Người này thở dài: “Con không thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hiện
tại”. Vị thiền sư đáp: “Đâu phải con đang sống với hiện tại, con đang sống
với quá khứ”. “Thầy nói đúng. Nhưng quá khứ của con đâu phải đều xấu?”.
Có tiếng nói nhẹ nhàng vang lên: “Con cần phải từ bỏ quá khứ, không phải
vì nó xấu mà nó đã chết rồi”.
Một bài học giản dị, thức tỉnh nhưng mấy ai đã nhìn ra? Một khi quá
khứ đã chết, ôm giữ mãi trong lòng liệu ích gì cho nhịp sống hiện tại?
Buông bỏ đi, nếu vật ấy đã không còn thuộc về mình. Chấp nhận sự thật và
buông bỏ, mới có thể dẫn dắt chính mình ra khỏi ngõ cụt đặng tìm đến một
con đường khác. Sau cơn mưa, rồi trời lại sáng.