đường hầm mờ mịt thăm thẳm. Đừng tuyệt vọng. Đánh mất niềm hy vọng
mới là sự phá sản khủng khiếp nhất.
Tôi nghe kể rằng, chiếc tàu nọ bị đắm ngoài trùng khơi, may mắn có
một người sống sót nhờ bám vào thanh gỗ và trôi dạt vào hoang đảo. Sau
lúc kiệt sức, anh ta tỉnh dậy, hoảng sợ, lo lắng khi trơ trọi một mình. Trong
hoàn cảnh không khác gì Robinson, anh ta gắng gượng cất lên một cái lều
tạm bợ che mưa nắng. Ngày qua ngày, đau đáu nhìn về phía chân trời, anh
ta cầu mong sẽ được cứu thoát. Rồi như thường lệ, ngày kia anh vào rừng
tìm thức ăn. Bếp lửa vẫn bập bùng cháy trong lều. Hỡi ôi, lúc anh ta quay
về thì túp lều đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Mọi thứ đều
tiêu tan thành tro bụi. Anh cay đắng, chết lặng trong tuyệt vọng: “Sao ông
trời lại đẩy tôi vào đường cùng?”.
Sự tồi tệ này có thật là họa?
Rạng sáng hôm sau anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu
đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết
được tôi ở đây?” - Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi
thấy tín hiệu khói của anh”.
Thế đấy, phúc - họa đan chéo, xen kẽ trong nhau. Đừng bao giờ nhận
phúc chỉ thấy phúc, hãy bình tâm nhận ra mầm họa đang ẩn náu bên trong.
Và ngược lại. Danh y Tôn Tư Mạo (581 - 682) có một câu rất nổi tiếng, ở
đây, xin nhắc lại vế chót: “Tâm tâm thường tự quá kiều thi” (cái lòng thì
phải e sợ như lúc đi ngang cây cầu vậy). Có thể hiểu, dù bất kỳ trường hợp
nào cũng phải bình tâm cẩn trọng, chu đáo, chỉn chu như lúc bước qua cầu,
phải nhìn trước ngó sau, thận trọng, không chủ quan. Bất kỳ sự việc nào
cũng có hai mặt của nó. Biết thế, hiểu thế, vậy cứ nhẹ nhàng như trước và
sau lúc nhận được phúc/họa bởi lẽ sự biến hóa khôn cùng trong quy luật
biện chứng ngàn đời nay đã là vậy.