văn chương nghệ thuật, bỗng trầm lắng xuống, thấy mình “dẫu mở mắt
cũng là đang nhắm mắt”...
Và anh quay nhìn lại chính mình. Lắng nghe chính mình. Thứ tiếng
nói từ sâu thẳm tự bên trong. Anh viết về quê hương, về mẹ, về người xưa,
về cái đẹp, về nếp sống hạnh phúc... Những lời ân cần như vừa tâm tình với
chính mình, lại như vừa khuyên nhủ người bạn trẻ vào đời...: Học lại người
xưa, Đi là sống một đời sống khác, Sống vui từng ngày, Vui trong hiện tại,
Niềm tin tâm linh...
Anh viết về mẹ với tất cả tấm lòng, đọc không thể không rưng rưng:
“Còn với tôi, một khuya đẹp trời là lúc mở cửa rón rén vào nhà. Đã quen
hơi người, con chó mực không sủa, chỉ quẫy đuôi mừng rỡ. Chân bước rất
khẽ, thế mà vẫn nghe một giọng ngái ngủ vang lên trong tĩnh mịch: “Q về
đó hả con?”, chỉ trả lời một tiếng: “Dạ”. Không gian lại im ắng lạ thường.
Đâu đó đã có tiếng gà gáy. Đêm vẫn tối đen. Bình yên”. (Một ngày rất
đẹp).
Rất đẹp vì có mẹ. Bởi vì rồi đây, một khi “Mẹ thành mây trắng đã lâu/
Con về thăm mẹ ngồi đâu cũng buồn”...
Anh viết về chữ hiếu: “Dù đứng ở góc độ nào, ta thấy chữ hiếu đã
nhập vào tâm thức người Việt như một lẽ sống vĩnh hằng. Kinh Phật có
dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn
bất hiếu” (kinh Nhẫn Nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ
tức là thờ Phật” (kinh Đại Tập)...
Anh nhìn “cái đẹp” cũng đã khác:
“Cái đẹp là gì nhỉ? Khó có thể có câu định nghĩa hợp ý với cả thảy
mọi người, nhưng chỉ trong lĩnh vực thời trang, tôi nghĩ rằng, một khi ăn
mặc thế nào mà cảm thấy mình ý tứ hơn, dịu dàng hơn và cũng dễ tạo ra
thiện cảm, đó chính là đẹp. Với phụ nữ, sự trở lại của chiếc áo dài truyền
thống, dù bây giờ đã ít nhiều có cách điệu đi nữa, là một lựa chọn của
nhiều người. Sự lựa chọn ấy cho thấy rằng khi xuất hiện trước đám đông,
tự nó đã nói lên các đức tính cần thiết của nữ giới” (Gói mây trong áo).
Đã đến lúc “về thu xếp lại” của một người vừa chớm nghe “gió heo
may đã về” chăng, đã đến lúc phải “dọn lòng” chăng? ““Về thu xếp lại”